Để hương rượu cần lan xa…
Theo ông Phan Chí Dũng, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk), rượu cần Tây Nguyên từ lâu đã là cái tên quen thuộc. Bất kỳ ai đặt chân đến vùng đất đỏ bazan, hương vị thết đãi của cư dân bản địa cũng gắn với vò rượu cần. Nhiều đoàn xe du lịch trở về đều chứa trong thùng những vò rượu cần. Nhưng cho đến nay, việc xác nhận những thương hiệu rượu cần chất lượng, là hàng hóa thương mại với nhãn mác rõ ràng, có đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, vẫn đang cần được các cơ quan chức năng lưu ý.
Hấp dẫn hương vị truyền thống
Chị H’Phiu Kbuôr, chủ cơ sở rượu cần ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, gia đình chị mấy đời làm rượu cần truyền thống, đến nay đã tạo dựng được thương hiệu “rượu cần Amĭ Dzaphin” với đông đảo du khách và người dân địa phương. Nói đến rượu cần Tây Nguyên ở Buôn Ma Thuột, nhiều người biết đến tên gọi rượu cần gia đình chị, và cơ sở thứ hai của chị Mi Nhiên, cùng là người trong buôn. Những năm trước mùa dịch COVID-19, gia đình chị bán hàng trăm vò rượu cần lớn nhỏ cho các đoàn du khách đến với buôn, chưa kể lượng ký gởi cho các cơ sở kinh doanh, thương mại gần xa.
Người phụ nữ có nụ cười chất phác này nhìn nhận, rượu cần dễ uống, dễ pha và cũng dễ say, bởi vị men lá được ủ chín nhẹ nhàng và ngọt ngào. Từ bao đời nay, hương vị ấy đã ẩn sâu trong tiềm thức con người Tây Nguyên. Chỉ cần chiêng nổi lên, là mọi người sẽ hòa ngay vào âm thanh kỳ lạ của núi rừng và cuối cùng đọng lại với “những ché rượu cần ngọt ngào”.
Tuy nhiên, không phải gia đình Êđê truyền thống nào cũng còn lưu giữ được kỹ thuật pha ủ rượu cần. Cả buôn Akô Dhông, hiện chỉ còn vài tên tuổi rượu cần gia đình, bán số lượng nhiều cho du khách là không thể. Dù biết cơ hội thương mại hóa rượu cần với thị trường ngày một tăng, nhưng các cơ sở đều ngần ngại vì… chưa được chính thức đăng ký thương hiệu, bản quyền.
Du khách tìm hiểu cách chế biến rượu cần của đồng bào Êđê ở buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng
Để rượu cần đi xa...
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, cho đến nay, các loại rượu cần bán trên thị trường chủ yếu dựa vào góc độ văn hóa truyền thống của người dân bản địa, chưa phải hàng hóa có nhãn mác chính thức, đăng ký về sở hữu bản quyền… Các địa phương vẫn chưa có quyết định công nhận chính thức nghề chế biến, sản xuất rượu cần ở các buôn làng truyền thống, vì số lượng sản phẩm làm ra còn hạn chế, chưa thể áp dụng các tiêu chuẩn hàng hóa công nghiệp trong sản xuất, chế biến. Chị H’Kjăp Niê, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Ako Ea (TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ, nói rượu cần ai cũng biết, nhưng các vò rượu nên có nhãn mác chính thức thì không ai rõ. Đây là lý do khiến các điểm thương mại địa phương, các cơ sở du lịch ngại phân phối loại hàng hóa này, chủ yếu chỉ chấp nhận cho người sản xuất ký gửi “sản vật truyền thống”.
Theo chị H’Phiu Kbuôr, thời gian gần đây, các cấp quản lý cũng có đặt vấn đề khích lệ cơ sở sản xuất của gia đình chị đăng ký nhãn hiệu rượu cần, nhưng cụ thể hướng dẫn ra sao, khi nào có chứng thực cụ thể thì vẫn còn mông lung. Cần có sự liên kết vào cuộc của các ngành công thương, khoa học công nghệ, nông nghiệp và du lịch địa phương, may ra mới có được giải pháp liên kết đăng ký, kiểm nghiệm các sản phẩm rượu cần bản địa, công bố các chỉ số chất lượng, đăng ký chỉ dẫn địa lý, bản quyền hàng hóa, sở hữu trí tuệ… Với những người đồng bào như chị, các yêu cầu này… khó quá. Nên dù biết là cần thiết và sẽ tăng cơ hội quảng bá bán hàng, tăng năng lực sản xuất phân phối, nhưng gia đình chị cùng những cơ sở sản xuất khác vẫn đành gói lại ở phạm vi nhỏ lẻ, cung ứng cho người tiêu dùng qua kênh du khách.
Ngành du lịch Đắk Lắk có ý tưởng, không chỉ mời du khách thưởng thức hương vị rượu cần thực tế, mời mua những vò rượu mang đi, mà còn có những vật dụng, quà lưu niệm được sản xuất, đặt hàng với hình ảnh vò rượu cần, về không gian thưởng thức rượu cần truyền thống… Như thế, các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống, văn hóa trải nghiệm dân gian địa phương sẽ được lan tỏa nhiều hơn. Song cơ bản, nếu không công nhận chính thức và chưa giúp các hộ gia đình, cơ sở sản xuất đăng ký được nhãn hiệu, có bản quyền rượu cần Tây Nguyên, thì việc bảo đảm về chất lượng, an toàn hàng hóa và cơ hội thương mại tốt hơn cho sản phẩm rượu cần vẫn sẽ còn hạn hữu.
Câu chuyện lan tỏa bản sắc Tây Nguyên qua những vò rượu cần, vì thế, vẫn còn bỏ ngỏ…
Thụy Bất Nhi