Món ''bánh Trời'' ngày Tết của người Mông
Trong văn hóa của người dân tộc Mông, bánh dày là món bánh cổ truyền không thể thiếu của ngày Tết. Bánh dày không chỉ là hiện thân cho tình yêu son sắt của người dân mà còn là món bánh tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nơi khởi nguồn cho sự sống của vạn vật.
Bánh dày chẳng phải món bánh xa lạ với người Việt ta, những chiếc bánh trắng tròn, đầy đặn nhỏ xinh rất quen thuộc, nhưng chiếc "bánh Trời" của người Mông lại được thể hiện rất đặc sắc. Khác với kích thước nhỏ xinh bình thường, "bánh Trời" của người Mông có kích thước to hơn nhiều.
Bánh dày được gọi là "pé-plẩu" trong tiếng Mông. Món bánh cổ truyền này từ cách làm đến cách dâng cúng và thưởng thức đều kỳ công. Bánh dày cổ truyền của người Mông có vị ngon đặc biệt ở chỗ bánh được làm thủ công.
Cối dùng để giã bánh dày được làm từ thân cây cổ thụ, thớ mịn chắc và có mùi thơm. Phần lá lót và gói bánh là lá chuối rửa sạch, mang hơ qua lửa và lau sạch sẽ. Loại gạo nếp được dùng để làm bánh dày là nếp nương ngon, thơm và dẻo. Gạo được ngâm trong một ngày để cho ngậm no nước. Sau đó, xôi được đồ kỹ cho mềm và dẻo. Tiếp đó, phần xôi được đồ kỹ này đổ ra cối và giã ngay khi còn nóng.
Đây có lẽ là công đoạn vất vả nhất khi làm bánh dày. Những tiếng chày gỗ liên giã xuống liên tục để khi tạo đổ dẻo, xôi giã càng kỹ thì bánh sẽ càng ngon và bảo quản cũng được lâu hơn. Giã bánh xong phải nặn bánh ngay để bánh vào khuôn. Nếu để bánh nguội thì vừa không nặn được mà bánh lên hình cũng không được đẹp.
Những chiếc bánh dày tròn trịa sau khi hoàn thành sẽ được dâng lên mâm lễ thờ cúng tổ tiên. Trong ngày lễ Tết của người Mông, đây không chỉ là lễ vật chính trong mâm cỗ mà còn là món ăn đãi khách và làm quà. Ngoài ăn trực tiếp, bánh còn được nướng trên than hồng hoặc cắt nhỏ rồi rán phồng.
Chiếc bánh dày tròn đầy thể hiện lòng thơm thảo của người dân tộc Mông với lễ hội truyền thống cũng như lòng biết ơn tới cội nguồn khởi sinh vạn vật. Đối với người dân nơi đây, bánh dày tròn không chỉ là món bánh cổ truyền trong ngày Tết mà còn thể hiện sự chung thủy, một lòng trong tình yêu. Hình ảnh tròn đầy của bánh dày tượng trưng cho tình yêu luôn viên mãn chẳng bao giờ vơi. Tục làm bánh dày của người Mông khi Tết đến không chỉ thể hiện sự tôn trọng, kế thừa truyền thống mà còn là hoạt động đặc sắc trong mùa xuân thu hút nhiều khách du lịch.
Kỳ Vân Dương