Non nước Việt Nam

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Đến rồi còn muốn quay lại

Cập nhật: 11/01/2022 10:06:00
Số lần đọc: 1253
Không phải là bảo tàng được thành lập sớm ở Hà Nội, cũng không có những hiện vật cổ vô giá, song với phong cách trưng bày hiện đại, đặc biệt là các hoạt động hấp dẫn đã khiến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có sức hấp dẫn kỳ lạ với khách và là “điểm sáng” của du lịch Thủ đô.


Trẻ em vui chơi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Những không gian trưng bày lôi cuốn

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), nơi gắn bó với tên tuổi của cố Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) - một nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam, cùng vị giám đốc đầu tiên của bảo tàng (từ 1995 đến 2006) - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, con trai của cố Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, được thành lập năm 1995. Sau hai năm xây dựng, công trình được khánh thành (giai đoạn 1) vào ngày 12-11-1997. Toàn bộ quần thể công trình nằm trên một khu đất rộng 4,5ha. Tòa kiến trúc chính có tên là nhà Trống đồng - một biểu tượng của nền văn minh, văn hóa Việt Nam. Nhà Trống đồng là nơi trưng bày chính cùng các phòng ban chuyên môn.

Diện tích trưng bày trong công trình rộng khoảng 2.500m2, gồm hai tầng. Nội dung được thiết kế hiện đại, dễ tiếp cận, tương tác như nhiều bảo tàng đương đại khác trên thế giới. Các khối nhà được tổ chức không gian liên hoàn với nhau. Mỗi không gian trưng bày của từng tộc người được thể hiện theo lối kể chuyện xuyên suốt bằng nhóm hiện vật. Mỗi gian là một câu chuyện phản ánh cuộc sống muôn màu của 54 dân tộc Việt Nam.

Khu vực trưng bày thứ hai là Vườn kiến trúc, gồm sân vườn kết hợp với các công trình kiến trúc dân tộc. Đây là nơi giới thiệu 10 công trình kiến trúc dân gian tiêu biểu của các dân tộc từ Bắc vào Nam như nhà Việt, nhà Mông, nhà Chăm, nhà rông Ba Na, nhà dài Ê Đê… do chính người dân và nghệ nhân của dân tộc đó thực hiện. Ngoài ra, trong khuôn viên bảo tàng còn có thủy đình múa rối nước và nơi tổ chức trò chơi dân gian, hoạt động cộng đồng.

Năm 2013, Bảo tàng Dân tộc học khánh thành khu trưng bày thứ ba là tòa nhà Cánh diều, sau 6 năm xây dựng. Nhà Cánh diều, hay Trung tâm Đông Nam Á, là tòa nhà 4 tầng, có diện tích trưng bày gần 7.000m2, là nơi trưng bày về văn hóa, phong tục tập quán của các quốc gia Đông Nam Á.

Bảo tàng Dân tộc học hiện lưu giữ khoảng 30.000 hiện vật, hàng chục nghìn tư liệu là phim/ ảnh, băng video, file âm thanh… ghi chép tư liệu văn hóa phi vật thể về các dân tộc ở Việt Nam. Không chỉ là một bảo tàng trưng bày, nơi đây còn là trung tâm nghiên cứu văn hóa dân tộc hàng đầu của Việt Nam, thu hút nhiều nhà khoa học, sinh viên ở nhiều lĩnh vực, chuyên ngành tới học tập, nghiên cứu.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được triển khai hoạt động theo quan niệm mới, phù hợp với sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật. Trước hết, đó là quan niệm “Bảo tàng dành cho tất cả mọi người” được thể hiện trong phong cách kiến trúc, kỹ thuật trưng bày cũng như các hoạt động cộng đồng. Vì vậy, bảo tàng luôn có sức hấp dẫn đối với khách tham quan trong và ngoài nước. Năm 2014, trang web du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor đã bình chọn Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam xếp vị trí số 1 trong top 10 bảo tàng hấp dẫn nhất tại Việt Nam; đứng ở vị trí thứ 4 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á.

Trình diễn rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Nhiều trải nghiệm hấp dẫn

Ngoài những không gian trưng bày, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thu hút du khách tới trải nghiệm, đặc biệt là học sinh các cấp tham gia theo kiểu vừa học vừa chơi. Vào những dịp lễ Tết, nơi đây có rất nhiều hoạt động hấp dẫn như tái hiện các phong tục tập quán trong dịp Tết Nguyên đán với lễ dựng cây nêu, cúng ông Công ông Táo, gói bánh chưng, hát ca trù, viết thư pháp… hay các trò chơi dân gian. Nhiều phong tục, tập quán các dân tộc được tái hiện ở bảo tàng bởi chính những người dân tộc bản địa. Tất cả các hoạt động của bảo tàng đều được tổ chức trên tinh thần mở, ai cũng có thể cùng tham gia và trải nghiệm.

Người đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam gồm nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp. Theo Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ đến bảo tàng với mong muốn được tìm hiểu về văn hóa các dân tộc. Đó là những tín hiệu đáng mừng, cho thấy chúng ta đã giáo dục được thế hệ trẻ biết hướng về những giá trị truyền thống của cha ông”.

Với nhiều bảo tàng, khách tới xem một lần rồi thôi, nhưng ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, rất nhiều người muốn quay lại bởi nơi đây có sức hấp dẫn riêng. Nhiều người dân Thủ đô coi nơi đây là điểm đến cuối tuần, đưa con trẻ tới vui chơi, khám phá và tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một điểm sáng của du lịch Thủ đô, góp phần xây dựng mối quan hệ cộng đồng thêm gần gũi, thân thiết. Điểm sáng này đã thắp lên ngọn lửa tình yêu văn hóa, tình yêu di sản, lòng tự hào dân tộc đối với mỗi người Việt Nam.

Bài và ảnh: Hà Thành

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT