Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khai trương phòng khám phá dành cho trẻ em
Các em nhỏ vui chơi ở phòng Khám phá. (Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)
Đây là không gian mới, khuyến khích việc công chúng tương tác với hiện vật thông qua các trải nghiệm bằng các giác quan cùng sự hỗ trợ của công nghệ. Du khách không chỉ chiêm ngưỡng và tìm hiểu các thông tin về hiện vật mà còn có cơ hội trực tiếp cảm nhận, suy nghĩ, chia sẻ về mỗi hiện vật qua các câu chuyện đa chiều đến từ nghệ nhân, nhân viên bảo tàng hay của chính du khách.
Phòng khám phá cho trẻ em là phòng trưng bày đặc biệt dành riêng cho các em với thiết kế bắt mắt thể hiện theo dạng trò chơi, khám phá câu chuyện qua từng chủ đề nhỏ, trải nghiệm làm đồ thủ công và kết hợp sử dụng trang thiết bị nghe nhìn hiện đại hỗ trợ. Các hoạt động được bố trí phù hợp với độ tuổi, khả năng tiếp thu để kích thích trí tò mò và giúp các em vừa học vừa vui chơi giải trí.
Điểm nhấn của Phòng khám phá là khuyến khích các em sử dụng tối đa các giác quan, có thể cầm, sờ, ngửi, nghe… để cảm nhận và khám phá về đời sống hiện vật của các dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới.
Phòng Khám phá thiết kế các không gian năng động để phục vụ đa dạng nhu cầu của công chúng: không gian cố định dành cho các chương trình khám phá thường xuyên; không gian dành cho các hoạt động theo chủ đề riêng; không gian dành riêng cho tổ chức các lớp học theo chuyên đề của nhà trường.
Phòng Đa phương tiện giống như là trung tâm thông tin dữ liệu qua âm thanh, hình ảnh về văn hóa Việt Nam và thế giới. Phòng có đa dạng các trang thiết bị để phục vụ nhu cầu xem, nghe, đọc, hát cho du khách trong và ngoài nước chủ động khám phá.
Về hoạt động Xem phim, có 8 màn hình chiếu phim với tai nghe riêng, nội dung gồm các chủ đề: lễ hội, phong tục tập quán, nghề thủ công, âm nhạc dân gian, nghệ thuật biểu diễn, đời sống hằng ngày… của các dân tộc ở Việt Nam; Nghe và cảm nhận âm thanh qua hệ thống tai nghe và tìm hiểu nhạc cụ truyền thống từ 4 hộp khám phá âm nhạc; Hát karaoke có 2 hộp với các bài hát dân ca, hát ru… của các dân tộc ở Việt Nam.
TS Bùi Ngọc Quang- Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ không chỉ có cơ hội nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng mà còn tìm đến đây với tình yêu di sản văn hóa và là một điểm đến để vui chơi thư giãn sau những ngày học tập vất vả. Bảo tàng cố gắng tạo ra đa dạng các hoạt động trong Phòng khám phá để kết nối được với nhiều công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ. Bảo tàng tin rằng, Phòng khám phám sẽ trở thành nhịp cầu nối nhà trường với Bảo tàng để tạo ra nhiều bài học sinh động bằng các giáo cụ trực quan. Đồng thời, kết nối các nhà làm du lịch với Bảo tàng để thiết kế ra nhiều tour gắn với hoạt động trải nghiệm về di sản văn hóa. Thông qua những hoạt động thiết thực của các bên sẽ góp phần quan trọng trong việc giới thiệu quảng bá văn hóa, nâng cao sự hiểu biết, thái độ trân trọng, khích lệ ý thức gìn giữ bảo tồn di sản văn hóa của thế hệ trẻ”.
Hà Chi