Khai mạc triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam”
Lễ khai mạc triển lãm "Không gian di sản văn hóa Việt Nam". (Ảnh: Minh Duy)
Chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” là sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng, nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên và danh lam, thắng cảnh độc đáo của Việt Nam. “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” do Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Nam Định và Tạp chí Vietnam Heritage phối hợp thực hiện.
Di sản văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc, tạo nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng. Di sản văn hóa là tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, lễ hội, kiến trúc, trang phục, lối sống,... Những giá trị văn hóa dần được hình thành trong suốt chiều dài của lịch sử, gắn kết chặt chẽ với sự sinh tồn và phát triển của các nhóm cộng đồng.
“Di sản văn hóa Việt là tài sản quý giá của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, là biểu tượng của sự trường tồn và cũng là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai”, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam”.
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh: Minh Duy)
Đặc biệt, văn hóa không chỉ chứa đựng những giá trị mang tính lịch sử, mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong nhịp sống hiện đại, nhiều di sản văn hóa đang đứng trước nhiều nguy cơ bị xóa nhòa trước tác động của thời gian, tự nhiên và cả chính các hoạt động của con người. Công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa là một điều cần thiết, để góp phần gìn giữ hồn cốt của một dân tộc, điều làm nên sự khác biệt của một quốc gia trên trường quốc tế.
Không gian tái hiện thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của Bảo tàng tỉnh Nam Định. (Ảnh: Minh Duy)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa. Người hoàn toàn thấu hiểu rất rõ giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của các di sản văn hóa và coi việc bảo tồn là việc cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước.
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 65/SL “ấn định nhiệm vụ Phương Đông Bác cổ học viện” có nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Chỉ sau hơn 2 tháng khi nước nhà giành độc lập, sự ra đời của Sắc lệnh 65 trong bối cảnh một nhà nước non trẻ còn đối mặt với nhiều những khó khăn, thách thức, là minh chứng cho trí tuệ sáng ngời, tầm nhìn xa, trông rộng và định hướng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với nhiều hoạt động phong phú, triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam” đem tới cho du khách tham quan một cái nhìn tổng quan về sự hình thành và phát triển ấn tượng của di sản văn hóa Việt Nam, trong đó điểm nhấn đáng chú ý là không gian trưng bày “Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam”.
Không gian trưng bày của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Minh Duy)
Tại đây, công chúng được thưởng thức những di sản văn hóa phi vật thể như dân ca quan họ Bắc Ninh, nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca trù, then... có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc của các nhóm cộng đồng. Bên cạnh đó, triển lãm cũng là dịp để những người đam mê văn hóa tìm hiểu về sức sống bền vững của các sản phẩm tinh thần ấy được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng nhiều hình thức như truyền miệng, truyền nghề, biểu diễn,...
Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Nam Định, Thanh Hóa và Gia Lai cũng mang đến triển lãm những sắc màu văn hóa đặc trưng, sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực và sản vật địa phương.
Không gian di sản văn hóa phi vật thể "Thực hành hát then". (Ảnh: Minh Duy)
Nhằm giúp khách tham quan nhận diện một cách hệ thống, đúng bản chất của di sản được UNESCO ghi danh, Bảo tàng tỉnh Nam Định giới thiệu nội dung trưng bày "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Bản sắc và giá trị" với các phần trưng bày: Nam Định - Trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu, các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, bản sắc và giá trị của di sản, hoạt động nghiên cứu khoa học, vinh danh di sản.
Ngoài ra, các tỉnh tham gia triển lãm lần này sẽ mang đến những sắc màu văn hóa đặc trưng, tập trung giới thiệu di sản văn hóa của địa phương, các chương trình, quảng bá, phát triển du lịch tại địa phương, giới thiệu sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, giới thiệu nghệ thuật ẩm thực và sản vật địa phương.
Trong khuôn khổ chương trình, cũng diễn ra triển lãm cuộc thi ảnh "Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ nhất 2021". (Ảnh: Minh Duy)
Minh Duy