Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo về Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh TITC
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Tổ trưởng Tổ công tác Mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch cho biết, tại Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ đang có xu hướng phát triển nhanh chóng và lan rộng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Mô hình kinh tế mới mẻ này có ảnh hưởng rất lớn đến du lịch với tính chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và tính xã hội hoá cao.
Kinh tế chia sẻ tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch (như chia sẻ phòng nghỉ, kỳ nghỉ), lữ hành (như chia sẻ tour, tuyến), vận chuyển khách du lịch (như chia sẻ hành trình, đi chung tàu, xe). Kinh tế chia sẻ cũng tác động mạnh mẽ đối với các lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến du lịch như: dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe... Hiện tại, đã có rất nhiều công ty công nghệ cung cấp nền tảng chia sẻ tham gia thị trường, phục vụ các hoạt động kinh doanh du lịch trực tuyến ở Việt Nam, trong đó, bao gồm cả công ty nước ngoài và công ty trong nước như: Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Tripi.vn, iVIVU.com, Mytour.vn, VNTrip.vn...
Mặc dù mới xuất hiện ở Việt Nam khoảng vài năm trở lại đây nhưng mô hình kinh tế chia sẻ đã đóng vai trò quan trọng, bước đầu mang lại những lợi ích tích cực đối với ngành du lịch, như: kết nối cung - cầu, tăng khả năng tiếp cận giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch với khách du lịch; tăng sức cạnh tranh, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch; góp phần hình thành chuỗi cung ứng du lịch và gia tăng chuỗi giá trị du lịch; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong lĩnh vực du lịch; gia tăng hiệu quả khai thác và sử dụng các nguồn lực dư thừa, tài nguyên nhàn rỗi trong lĩnh vực du lịch... qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành du lịch.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề đặt ra, cả trong nhận thức và hành động, đan xen giữa thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn. Số lượng doanh nghiệp du lịch tham gia kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn; hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch chưa tiếp cận được mô hình kinh tế chia sẻ. Các nền tảng công nghệ chia sẻ mang “thương hiệu Việt” chưa đủ sức cạnh tranh với các nền tảng công nghệ du nhập từ nước ngoài. Cơ chế quản lý, vận hành mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch còn nhiều bất cập, chưa có quy định quản lý cụ thể đối với loại hình kinh doanh mới mẻ này. Các vấn khác như: sự minh bạch của thị trường, cạnh tranh bình đẳng, an toàn và bảo mật thông tin, chống thất thoát thuế, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng... cũng là những vấn đề phức tạp đang đặt ra.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện 03 nhiệm vụ: Nghiên cứu pháp luật liên quan về dịch vụ chia sẻ phòng ở, mô hình kết hợp căn hộ - khách sạn; Đề án xây dựng và hoàn thiện quy định về quản lý lĩnh vực lưu trú du lịch theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam; Đề án xây dựng và hoàn thiện quy định về quản lý mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch.
Sau gần 01 năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, đến nay, Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cơ bản hoàn thành các bản dự thảo. Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện và đánh giá đầy đủ hơn về những vấn đề đang và sẽ đặt ra đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch ở Việt Nam, qua đó, đề xuất được những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch, tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, hoàn thiện các quy định về quản lý mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh TITC
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các diễn giả trình bày về một số nội dung như: Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch; Thực trạng và đề xuất giải pháp, quy định về quản lý lĩnh vực lưu trú du lịch theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam; Thực trạng và đề xuất giải pháp, quy định về quản lý mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam.
Đánh giá cao những kết quả Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã nỗ lực để xây dựng đề án về kinh tế chia sẻ, các đại biểu cho rằng, đối với du lịch Việt Nam, kinh tế chia sẻ còn là một khái niệm tương đối mới nhưng lại rất cần thiết để thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi ngành Du lịch đang chịu những tác động rất lớn vì dịch bệnh. Vì vậy, các đại biểu cho rằng việc xây dựng đề án cần áp dụng chặt chẽ các văn bản quy phạm pháp luật, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, đồng thời đẩy mạnh áp dụng ứng dụng công nghệ số, tạo thuận lợi cho sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp…
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội thảo. Ảnh TITC
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, kinh tế chia sẻ là vấn đề quan trọng trong phát triển, phục hồi du lịch. Việc xây dựng Đề án về kinh tế chia sẻ trong hoạt động du lịch cần phải làm nổi bật được vai trò của các chủ thể và sự liên kết với nhau như cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, các lĩnh vực liên quan. Phải luôn đảm bảo kinh tế chia sẻ là sự chia sẻ về kinh tế nhưng vẫn phải trong góc độ của văn hóa, du lịch. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng là một nội dung quan trọng cần được quan tâm, đầu tư. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp thu các ý kiến góp ý, sớm hoàn thiện Đề án để tham mưu Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phê duyệt.
Trung tâm Thông tin du lịch