Tin tức - Sự kiện

Tổng cục Du lịch tập huấn về hướng dẫn đăng ký, an toàn Covid-19 đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn quận Cầu Giấy

Cập nhật: 19/11/2021 14:00:49
Số lần đọc: 991
(TITC) - Ngày 17/11, tại Hà Nội, Vụ Khách sạn và Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã phối hợp tập huấn về các điều kiện tối thiểu và hướng dẫn việc đăng ký, an toàn Covid-19 đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn quận Cầu Giấy. Hội nghị do UBND quận tổ chức theo hình thức trực tuyến với 9 điểm cầu tại quận Cầu Giấy và 8 phường.  

Tham dự hội nghị tập huấn có Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung; bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn; ông Trần Quang Huy, Phó trưởng phòng Phát triển dịch vụ (Trung tâm Thông tin du lịch); lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị quận Cầu Giấy; thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, lữ hành, vận chuyển khách du lịch trên địa bàn quận năm 2021.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch) đã chia sẻ một số nội dung về tình hình hoạt động cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) ở Việt Nam. Theo đó, cùng với sự lớn mạnh của ngành Du lịch, hệ thống CSLTDL giai đoạn 2010-2019 phát triển về số lượng và chất lượng, phục vụ  nhu cầu đa dạng của hàng chục triệu lượt khách mỗi năm ở các mức chi tiêu khác nhau, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Tính đến hết năm 2020, Việt Nam có gần 38.000 CSLTDL với trên 780.000 buồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 2 năm qua, nhiều CSLTDL đã phải tạm dừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Mặt khác, lĩnh vực lưu trú du lịch đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức liên quan đến: ảnh hưởng của hội nhập quốc tế sâu rộng, hạn chế trong ý thức chấp hành pháp luật, kinh nghiệm, trình độ và nhận thức của chủ đầu tư, nhân lực, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, rào cản do tính thời vụ, rủi ro, an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm; sự phát triển nóng bất động sản du lịch ở một số địa phương, chất lượng dịch vụ chưa duy trì ổn định…

Bà Bình nhấn mạnh, những thách thức trên cần sự tham gia, hợp lực để giải quyết của tất cả các bên liên quan, trong đó cơ quan quản lý du lịch các cấp đóng vai trò quan trọng.

Về các quy định pháp luật liên quan đến cơ sở lưu trú du lịch, bà Bình cho biết Luật Du lịch năm 2017 đã có quy định rất rõ về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Cùng với đó, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đã cụ thể hóa điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ đối với 7 loại hình CSLTD: khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, bãi cắm trại du lịch với tổng số 28 điều kiện kinh doanh.

Trong bối cảnh du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, bà Bình cho biết, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Bộ VHTTDL đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh doanh dịch vụ cũng như người lao động, cụ thể: giảm tiền thuế đất, giảm tiền điện, giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, miễn/giảm các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tiền mặt cho hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh…

Để bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn số 4159/BVHTTDL-TCDL ngày 09/11/2020 về công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu bắt buộc các CSLTDL đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19.

Về nội dung này, đại diện Trung tâm Thông tin du lịch đã giới thiệu với các đại biểu về cách đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 theo các bước: (1) Truy cập địa chỉ https://safe.tourism.com.vn để đăng ký tài khoản theo hướng dẫn trên website. (2) Đăng nhập hệ thống và thực hiện tự đánh giá an toàn Covid-19 trong tình hình mới của đơn vị theo “Bảng đánh giá an toàn Covid-19 tại cơ sở lưu trú du lịch” có trong hệ thống.

Đồng thời, các đại biểu cũng đã được nghe đại diện Trung tâm Thông tin du lịch giới thiệu về ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn và ứng dụng Hướng dẫn du lịch Việt Nam để thực hiện việc khai báo, tự đánh giá an toàn Covid-19 trên ứng dụng cũng như kiểm tra đánh giá mức độ an toàn của CSLTDL trên ứng dụng.

Ông Trần Quang Huy cho biết, ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn là công cụ quan trọng nhằm cung cấp thông tin du lịch an toàn cho du khách trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của du khách trong quá trình đi du lịch.

Ứng dụng gồm 4 nhóm tính năng chính là: Du lịch Việt Nam an toàn, Dịch vụ du lịch, Tiện ích, Tính năng hỗ trợ. Trong đó nổi bật là: tính năng “Tờ khai y tế” liên thông với ứng dụng PC-COVID, tính năng “Chứng nhận tiêm chủng” phục vụ chương trình đón khách du lịch, tính năng “Phản ánh” giúp khách du lịch gửi phản hồi về chất lượng dịch vụ trực tiếp tới doanh nghiệp lữ hành hoặc cơ quan quản lý nhà nước… Ngoài ra, còn có nhiều tính năng tiện ích hỗ trợ du khách tra cứu thông tin du lịch, khám phá điểm đến, mua sắm trực tuyến, đặt vé điện tử...

Ứng dụng Hướng dẫn du lịch Việt Nam được phát triển dành cho 3 nhóm đối tượng gồm: Hướng dẫn viên, Điểm đến an toàn (cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, điểm mua sắm, khu vui chơi giải trí…) và Cơ quan quản lý.

Đối với hướng dẫn viên, ứng dụng cung cấp nhiều tiện ích trong việc xác nhận tour, trò chuyện với khách tham gia tour, cập nhật kiến thức nghề nghiệp… cùng nhiều tiện ích phù hợp với công việc đặc thù.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, với ứng dụng này, các doanh nghiệp cũng có thể đánh giá an toàn Covid-19 hàng ngày bên cạnh trang https://safe.tourism.com.vn. Đồng thời sử dụng tính năng Check-in để nhập hoặc quét mã QR giúp khách du lịch nhằm hỗ trợ khách kiểm tra, đánh giá công tác phòng - chống dịch bệnh tại cơ sở trong trạng thái bình thường mới.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT