Tin tức - Sự kiện

Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa: Hướng tới ứng dụng công nghệ hiện đại

Cập nhật: 21/02/2022 08:12:24
Số lần đọc: 813
Sau một thời gian dài hoạt động mang tính cầm chừng, đầu năm 2022, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều đổi mới với việc thực hiện ứng dụng công nghệ số vào hoạt động trưng bày, giới thiệu…  

Chưa tạo được sức hút

Dù nằm ở vị trí trung tâm trên tuyến đường biển Trần Phú, thế nhưng nhiều năm qua, cảnh tượng cửa đóng im ỉm là điều thường diễn ra ở Bảo tàng tỉnh; thi thoảng mới thấy một vài triển lãm chuyên đề mang tính sự vụ trong năm để mở cửa cho khách đến xem vào giờ hành chính. “Tôi từng có một số lần đến Bảo tàng tỉnh để tham quan, nhưng chỉ có những lúc tổ chức triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh hay cổ vật thì mới có cái để xem. Việc trưng bày, giới thiệu các hiện vật, tác phẩm cũng không có nhiều nét mới để tạo sức hút có thể níu chân người xem ở lại lâu hơn”, chị Lê Hồng Minh (đường Thích Quảng Đức, TP. Nha Trang) cho biết.

Khách tham quan Bảo tàng tỉnh hiện tại

Bảo tàng tỉnh được thành lập năm 1976. Từ đó đến nay, dù đã trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa nhưng vẫn không tránh khỏi thực trạng xuống cấp, chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Khánh Hòa. Không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh hiện chỉ có 200m2; hệ thống kho lưu giữ, bảo quản hiện vật lại không có, trong khi bảo tàng đang có hơn 10.000 hiện vật quý hiếm cần được bảo quản, trưng bày, giới thiệu. Giấc ngủ dài của các hiện vật đang cần được đánh thức để phát huy giá trị của những di sản văn hóa đa dạng của địa phương, góp phần nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống và lòng tự hào về lịch sử, văn hóa vùng đất, con người Khánh Hòa. “Ngày nay, nhu cầu đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao. Chính vì thế, yêu cầu về một bảo tàng hấp dẫn, hiện đại với những hoạt động phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc lịch sử, văn hóa Khánh Hòa là rất cần thiết. Đây sẽ là điểm nhấn văn hóa quan trọng đối với du khách, các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu về địa phương”, ông Nguyễn Thanh Phong - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.

Bước chuyển mới

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, để Bảo tàng tỉnh phát huy giá trị, công năng, đáp ứng, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa địa phương, chúng ta cần có sự quan tâm đầu tư mang tính đột phá, đổi mới phù hợp với thực tế và xu hướng chung. Lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo về vấn đề này. Chính vì thế, Bảo tàng tỉnh đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan triển khai các bước đi cần thiết đối với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số vào việc trưng bày, giới thiệu. Trong đó, yêu cầu đặt ra là phải giới thiệu được những lớp lang về lịch sử, văn hóa của vùng đất, con người Khánh Hòa từ thời tiền sơ sử đến nay, để mỗi người khi đến Bảo tàng tỉnh sẽ có được cái nhìn toàn diện về địa phương thông qua những cách thức thể hiện hấp dẫn, hiện đại.

Ông Phan Quang Vinh - Giám đốc Công ty Truyền thông Tùng Việt (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, với vai trò của đơn vị tư vấn giải pháp trưng bày Bảo tàng tỉnh, công ty sẽ sử dụng những công nghệ, thiết bị, phần mềm... trưng bày bảo tàng mới nhất để giới thiệu những câu chuyện về lịch sử, văn hóa Khánh Hòa thông qua những hiện vật đã được số hóa. Việc ứng dụng công nghệ vào trưng bày ở Bảo tàng tỉnh sẽ tạo nên một không gian bảo tàng đẹp, hấp dẫn cả người dân và khách du lịch. Ở đó, khách tham quan sẽ thấy được sự sống động thông qua các bộ sưu tập hiện vật gốc. Công nghệ hiện đại giúp chuyển tải các thông điệp, câu chuyện phong phú, đa dạng của các bộ sưu tập hiện vật để đem lại những trải nghiệm cho khách tham quan bảo tàng; đồng thời mang tính mở để trong quá trình sử dụng có thể sáng tạo thêm những nội dung, cách thức trình chiếu mới hoặc cập nhật những ứng dụng công nghệ mới trong tương lai.

Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày tại Bảo tàng tỉnh sẽ được thực hiện ở 4 phòng trưng bày với các chủ đề như: Văn hóa tiền sơ sử; văn hóa của cư dân các dân tộc Khánh Hòa; lịch sử, văn hóa Khánh Hòa từ năm 1653 đến nay; văn hóa biển đảo; lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Khánh Hòa... Từ những chủ đề tổng thể, các đơn vị thực hiện sẽ chi tiết hóa bằng các giải pháp công nghệ có thể đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu và tương tác với các hiện vật. “Theo định hướng phát triển ngành Văn hóa của tỉnh, trong thời gian tới sẽ thực hiện việc xây dựng bảo tàng mới. Về cơ bản, những công nghệ sẽ được ứng dụng trong việc trưng bày của Bảo tàng tỉnh hiện tại hoàn toàn phù hợp cả về nội dung, hình thức và có thể mở rộng quy mô khi chuyển sang bảo tàng mới”, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Với những tín hiệu tích cực để làm mới hoạt động của Bảo tàng tỉnh, hy vọng trong thời gian ngắn sắp tới, nơi đây sẽ thực sự là một địa chỉ văn hóa đón người dân và du khách đến tham quan thường xuyên.

Giang Đình

 

Nguồn: Báo Khánh Hòa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT