Non nước Việt Nam

Bảo tồn điệu múa cổ làng Giắng, tỉnh Thái Bình

Cập nhật: 02/12/2022 10:48:52
Số lần đọc: 1118
Điệu múa cổ giáo cờ giáo quạt xuất hiện từ thời nhà Trần đang còn được lưu truyền tại làng Giắng (làng Thượng Liệt), xã Đông Tân, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình). Đã có thời điểm tưởng thất truyền, nhưng bằng sự bền bỉ, truyền dạy từ đời này sang đời khác, điệu múa đặc sắc này vẫn đang âm thầm khẳng định sự trường tồn trong đời sống dân gian.


Điệu múa giáo cờ giáo quạt làng Giắng, xã Đông Tân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) hiện còn bảo tồn được 36 cấp múa.

Ông Trần Đình Ân, Trưởng Ban quản lý di tích đình, đền và chùa Thượng Liệt cho biết, theo các thần tích, thần sắc hiện đang lưu giữ và theo lời kể của các cụ cao niên, điệu múa giáo cờ giáo quạt do công chúa Quý Minh con vua Trần Duệ Tông sáng tạo ra.

Múa giáo cờ giáo quạt là hình thức múa dân vũ tập thể. Nội dung điệu múa diễn tả tâm trạng của một cô công chúa trước khi đi xa làm lễ tạm biệt vua cha, trong đó thể hiện ước vọng một cuộc sống no đủ cho dân chúng.

Có tất cả 36 cấp múa, trong đó cấp đầu tiên là múa đi sứ, múa má, múa bái vua. Khi biểu diễn sẽ có một người đánh trống, một người hát dóng và có từ 40 đến 50 người múa (còn gọi là cô lèn).

Các cô lèn bắt buộc phải là những cô gái đồng trinh từ 8 đến 15 tuổi, gia đình không có tang gia. Qua quá trình tuyển chọn sẽ được các bà thợ dạy múa (tức là những người phụ nữ cao tuổi, có uy tín, hát hay và múa giỏi do chính dân làng bầu ra hằng năm). Khi múa, mỗi cô lèn sẽ cầm một lá cờ ngũ sắc nhỏ và một chiếc quạt giấy làm đạo cụ múa.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh (tỉnh Thái Bình) cho biết, múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa thiêng, là niềm tự hào của người dân làng Giắng mà không nơi nào có được.

Điệu múa giáo cờ giáo quạt biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao truyền thống tỉnh Thái Bình 14/10.

Sở dĩ gọi là múa giáo cờ giáo quạt là bởi khi múa tay cờ, tay quạt luôn hoán đổi cho nhau, hay còn được gọi là tráo cờ, tráo quạt. Tiếng địa phương gọi “tráo” là “giáo”, cũng như gọi “trời” là “giời”, do đó mới có từ “giáo cờ giáo quạt” là nghĩa như vậy.

Hiện nay, tại địa phương còn bảo tồn được nhiều cấp múa phức tạp như: múa sắc ngũ phương, múa chèo đò, múa rồng… thể hiện rõ nghi thức múa cung đình thời Trần, xen kẽ với những động tác dân gian tập trung diễn tả cảnh sinh hoạt thôn dã, đồng quê như: chim bay, cò bay, chao tép, vạt tôm, chèo thuyền…

Để gìn giữ nét văn hóa đặc sắc, riêng có của mảnh đất này, hiện nay, tại xã Đông Tân đã thành lập Câu lạc bộ truyền dạy điệu múa cổ giáo cờ giáo quạt do bà Lại Thị Thiếu, một nghệ nhân tâm huyết đứng ra trực tiếp truyền dạy. Những năm gần đây, múa giáo cờ giáo quạt còn được đưa vào trong các tiết học ngoại khóa ở một số trường phổ thông trên địa bàn xã Đông Tân.

Được biết, múa giáo cờ giáo quạt làng Giắng chỉ tổ chức duy nhất một lần trong năm ở trước sân đình Thượng Liệt, đó là dịp lễ hội làng diễn ra từ ngày mồng 10 đến hết ngày 12 tháng Giêng âm lịch.

Mai Tú

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 01/11/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT