Bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng ở Gia Lai
Trình diễn công chiêng của dân tộc Jrai (Gia Lai) trong Lễ hội ăn trâu. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN
Hầu hết các buôn làng ở Gia Lai đều có những đội cồng chiêng do những nghệ nhân, già làng làm nòng cốt. Những năm gần đây, sự xuất hiện của các đội chiêng nhí, chiêng nữ tại các buôn làng cho thấy văn hóa cồng chiêng tại đây đã và đang được kế thừa, phát huy một cách mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng Di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Trẻ em, phụ nữ ở một số vùng dân tộc thiểu số đã học đánh cồng chiêng để bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc. Điều này cho thấy ý thức của người dân tộc thiểu số trên địa bàn đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, họ đã biết tự bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, không còn tình trạng “chảy máu” cồng chiêng như trước.
Từ bao đời nay, cồng chiêng được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bên cạnh việc lưu trữ những bộ cồng chiêng quý hiếm, đồng bào các dân tộc tại đây cũng đang nỗ lực tổ chức các hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Vào mỗi cuối tuần, nhà Rông tại làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh lại rộn ràng hơn bởi âm thanh của tiếng cồng chiêng vang vọng. Người già, thanh niên trong làng tập trung dạy cho các em nhỏ những điệu chiêng truyền thống, những bản chiêng mới sáng tác. Nhờ sự tận tình truyền dạy của các già làng, đến nay, những thiếu niên tại này đã thuộc lòng các động tác như cầm dùi, gõ nhịp, hay những kỹ năng diễn tấu của các bài cồng chiêng cơ bản tại các lễ hội buôn làng.
Em Hiên, 10 tuổi, dân tộc Bahnar, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, phấn khởi: “Em được các già trong làng dạy cồng chiêng từ lúc 7 tuổi. Giờ em đã biết phân biệt các loại chiêng và biết đánh một số bài đơn giản để cùng các bạn phục vụ lễ hội của làng”.
Không chỉ tại huyện Chư Păh, rất nhiều buôn làng tại huyện Kbang cũng đã phát huy được công tác bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng. Thông qua việc truyền dạy cồng chiêng và múa xoang, họ mong muốn con cháu sẽ luôn nhớ về cội nguồn, tiếp tục giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc do cha ông để lại.
Nghệ nhân Đinh Prang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: “Tập cho mấy đứa nhỏ để sau này lớp già chúng tôi mất đi còn có lớp trẻ tiếp tục duy trì truyền thống cha ông. Văn hóa của dân tộc phải giữ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy”.
Là một trong những nghệ nhân tâm huyết gìn giữ từng nét văn hóa bản địa, anh Đinh A Ngưi, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, bày tỏ: Tôi thường tập trung những người biết đánh cồng chiêng để chỉ dạy lại cho chị em phụ nữ, cho các em học sinh để khi rảnh rỗi họ tập đánh cồng chiêng. Đây là nét văn hóa riêng của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nên không để thất truyền được. Không nhất thiết phải cố định và thường xuyên, chúng tôi tập luyện một cách tự nguyện vì chúng tôi yêu văn hóa dân tộc mình.
Hiện tại, hầu hết các xã trong huyện Kbang đều có riêng cho mình một đội cồng chiêng nhí, một đội cồng chiêng nữ và một đội cồng chiêng nam. Đây cũng là điểm nhấn văn hóa của tỉnh Gia Lai về công tác bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng trên địa bàn. Không cần dự án phát triển, không chờ kinh phí địa phương hỗ trợ, bà con người Bahnar tại huyện Kbang ý thức được việc tự mình bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Tại Kbang, đêm đêm, tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng như một nét riêng của mảnh đất Tây Nguyên này.
Văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa quý báu, được coi là biểu tượng của đồng bào khu vực Tây Nguyên. Nhờ các ý thức giữ gìn của chính người dân tại các buôn làng, di sản này đang dần được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ.