Hoạt động của ngành

Phủ xanh vùng đất bán ngập để tạo cảnh quan du lịch hồ Thác Bà

Cập nhật: 21/03/2019 08:42:13
Số lần đọc: 1051
Ông Vương Quốc Đạt - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà tỉnh Yên Bái cho biết đề tài khoa học trồng cây tràm Úc (còn gọi là tràm nước ngọt) trên diện tích bán ngập vùng hồ Thác Bà đã được nghiệm thu hơn chục năm nay, góp phần tạo nên cảnh quan rất đẹp cho hồ Thác Bà.


Cây tràm Úc góp phần phủ xanh đất bán ngập trong mùa nước cạn, đồng thời còn để "tiêu diệt" diện tích cây mai dương xâm thực vùng hồ Thác Bà. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)

Tuy nhiên mô hình này chưa được nhân rộng mặc dù hồ Thác Bà vẫn còn nhiều diện tích bán ngập đang bị bỏ hoang.

Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam và là một trong những điểm đến độc đáo của tỉnh Yên Bái. Cảnh quan của hồ là sự kết hợp hài hòa của thiên nhiên với bàn tay con người. Hồ rất yên ả, không khí trong lành, xanh, mát cùng với những vạt rừng xanh mượt trùng điệp nhấp nhô tới bất tận...

Tuy nhiên, đặc điểm ấy chỉ đúng với hồ Thác Bà vào mùa nước lớn, còn về mùa nước cạn (từ tháng 2-6 hằng năm), hàng ngàn hécta đất bạc màu đỏ quạch ở chân các đảo hồ trơ ra, xóa nhòa ký ức đẹp đẽ của du khách đã có lần trải nghiệm trên đảo hồ kỳ vĩ này.

Hồ Thác Bà nằm trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, hồ được hình thành khi đắp đập ngăn dòng sông Chảy để xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà Yên Bái đầu tiên của miền Bắc, hoàn tất vào năm 1970.

Đến năm 1996, hồ Thác Bà ở Yên Bái được công nhận Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia. Ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1775/QĐ-TTg 2018 phê quyệt Quy hoạch Khu Du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Diện tích vùng hồ rộng 23.400ha, trong đó có 19.050 ha mặt nước và 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, chứa được 3-4 tỷ mét khối nước. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ còn được các sông lớn như ngòi Hành, ngòi Cát... đổ về, bồi lắng phù sa quanh năm, tạo điều kiện cho hệ động thực vật phát triển phong phú.

Sau gần 50 năm đi vào vận hành hồ chứa để phục vụ phát điện và cấp nước cho vùng hạ du, mực nước của hồ Thác Bà có khoảng dao động khá lớn từ cốt 46 đến cốt 58, tức là khoảng cách dao động về mực nước hồ Thác Bà lên tới 12m. Khoảng dao động ấy đã tạo ra một diện tích bán ngập nước lên đến cả nghìn ha.

Chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng ước hồ Thác Bà có khoảng hơn 2.000 ha đất bán ngập. Theo báo cáo của huyện Yên Bình, bình quân mỗi năm nông dân cấy được từ 120-220 ha lúa, trồng 200-400 ha ngô và 300-600 ha lạc (diện tích canh tác mỗi năm phụ thuộc vào độ dao động của mực nước trên hồ).

Phần lớn diện tích lúa và màu đều được gieo trồng tại những vị trí bằng phẳng, cốt nước cao, còn lại đa số diện tích bán ngập hồ Thác Bà đều bị bỏ hoang hóa...

Bà Nguyễn Thị Vân, nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái, nguyên Phó Giám đốc Lâm trường Thác Bà (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà), là chủ nhiệm đề tài cho biết năm 2001, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Yên Bái xây dựng đề tài khoa học “Trồng cây tràm Úc trên vùng đất bán ngập hồ Thác Bà” với diện tích hơn 20ha, đơn vị được giao triển khai đề tài là Lâm trường Thác Bà.

Mục tiêu của đề tài là để phủ xanh đất bán ngập trong mùa nước cạn, đồng thời còn để “tiêu diệt” diện tích cây mai dương xâm thực vùng đất này.

Cây mai dương là loài cây bụi, dây leo rậm rạp gai chằng chịt được ví như là một cái bẫy đối đàn cá và một số loài thủy sản khác trên hồ Thác Bà, nhất là đối với đàn cá bố mẹ vào mùa sinh sản. Nên việc tiêu diệt cây mai dương là để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hồ.

Thực hiện đề án trên, gần 30ha tràm Úc đã được trồng từ năm 2003-2005 bằng việc gieo ươm hạt giống trong vườn ươm sau đó mang ra trồng trên vùng đất bán ngập với mật độ 5.000 cây/ha, khoảng cách 1m/cây, giữa các hàng là 2m.

Tổng kinh phí đầu tư cho dự án lúc đó là 200 triệu đồng, thực chi hết 170 triệu đồng. Tính ra, chi phí trồng cây tràm Úc chưa đầy 6 triệu đồng/ha.

Cũng theo bà Vân, chi phí cho mỗi ha trồng cây tràm Úc hiện nay trên vùng đất bán ngập hồ Thác Bà ước khoảng 12-15 triệu đồng. Như vậy, nếu tỉnh Yên Bái đầu tư trồng cây tràm Úc trên toàn bộ diện tích bán ngập hồ Thác Bà, tổng chi phí hết chừng 30-40 tỷ đồng.

Bà Vân cho rằng Yên Bái là tỉnh miền núi nghèo nhưng với mức đầu tư như trên không phải là khó.

Lý giải về việc tại sao Đề tài khoa học có hiệu quả mà không được áp dụng vào thực tế, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái Trần Đức Lâm cho hay nếu trồng rừng kinh tế, cây tràm Úc phát triển chậm, chu vi thân gỗ nhỏ, phần lớn lại cong keo nên gỗ tràm không thể đóng đồ dân dụng, đưa vào xẻ thanh hoặc bóc ván cũng hạn chế vì sản phẩm thu hồ rất ít.

Gỗ tràm chỉ được tiêu thụ bằng cách nghiền dăm, giá bán thấp, trong khi đó vỏ tràm rất dày và khó bóc, chi phí cho chế biến tăng cao. Do vậy, trồng rừng kinh tế không hiệu quả.

Nếu để trồng phòng hộ giữ đất và làm cây cảnh quan cho hồ Thác Bà, không cây gì hơn được. Song vùng đất này lại không phải là đất rừng phòng hộ. Có chăng chỉ là trồng để lấy cảnh quan cho phát triển du lịch, việc này lại không thuộc lĩnh vực của ngành Nông nghiệp Yên Bái.

Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich tỉnh Yên Bái cho biết trước kia, việc đầu tư khai thác tiềm năng du lịch hồ Thác Bà gặp nhiều khó khăn. Với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, việc khai thác tiềm năng du lịch này đã thuận lợi hơn và có chiều hướng phát triển tốt.

Đặc biệt, ngày 19/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1775/QĐ-TTg 2018 Quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thì việc đầu tư cho du lịch hồ Thác Bà đã thuận lợi hơn nhiều.

Quy hoạch cũng đã nêu rõ vùng đất bán ngập hồ Thác Bà được trồng bằng cây tràm nước ngọt để tạo cảnh quan cho du lịch. Tuy nhiên, khi nào sẽ trồng tràm để tạo cảnh quan cho vùng đất bán ngập này cũng chưa thể khẳng định được./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục