Bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Lớp học may thêu trang phục truyền thống người Dao Thanh Y của học sinh xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ).
Đến thôn 2, xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ), hỏi người “giữ hồn” trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Y ở đây, ai nấy đều nhắc đến bà Lý Thị Mai. Hiện bà Mai vừa là chủ nhiệm lớp thêu may dành cho học sinh Trường TH&THCS Bằng Cả, vừa là “nhà thiết kế” trang phục truyền thống người Dao. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, song bà vẫn say mê thêu may như những ngày đầu mới làm quen với kim chỉ. Bà tâm sự: “Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu học thêu từ mẹ, đến nay cũng đã hơn 60 năm cầm kim, chỉ rồi nhưng chưa bao giờ biết chán. Tôi thêu vừa để giải khuây, vừa để trang phục truyền thống dân tộc mình không bị mai một dần rồi mất đi. Giờ thấy người lớn lẫn trẻ nhỏ ham thêu thùa, tôi càng có hy vọng bảo tồn trang phục dân tộc hơn”.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Bằng Cả, cho biết: Nhằm bảo tồn trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số sống trên địa bàn, xã đều lồng ghép cuộc thi thêu may trang phục dân tộc vào các kỳ hội làng của xã; vận động người dân mặc trang phục khi tham dự hội làng. Từ năm 2011, mỗi năm xã tổ chức 2 lớp học thêu may miễn phí cho bà con, học sinh trong xã. Đồng thời, phối hợp với các nhà trường tổ chức cho học sinh mặc đồng phục là trang phục truyền thống vào các ngày thứ 2 hằng tuần. Tới đây, xã tiếp tục vận động người dân may thêm trang phục truyền thống cho con em mặc đến trường; khuyến khích nhân dân tham gia học thêu may để tiến tới sản xuất các sản phẩm thổ cẩm phục vụ khách du lịch đến địa phương.
Không riêng Bằng Cả, thời gian qua, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng được các địa phương trong tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị bằng nhiều hình thức. Một số địa phương tổ chức biểu diễn trang phục truyền thống các dân tộc trong những ngày hội xuân, lễ, Tết. Có nơi khuyến khích, hỗ trợ làng, xã có người dân tộc thiểu số cư trú thành lập các CLB văn nghệ của từng dân tộc, sử dụng trang phục truyền thống trong các nghi lễ, như: Vân Đồn, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Hoành Bồ, Đầm Hà, Tiên Yên.
Bên cạnh gìn giữ, bảo tồn các trang phục truyền thống, các CLB còn tổ chức giao lưu văn hóa, biểu diễn trang phục truyền thống tại các tỉnh lân cận: Bắc Giang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… Chính quyền các địa phương hỗ trợ may thêu trang phục truyền thống cho học sinh ở các bậc học; đưa việc mặc trang phục truyền thống một số ngày trong tuần vào quy định bắt buộc của nhà trường để giúp giới trẻ làm quen với trang phục truyền thống của mình; từ đó, từng bước khôi phục, bảo lưu trang phục truyền thống các dân tộc...
Đi đôi với đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống các tộc người thiểu số, thông qua việc phục dựng một số sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống; trong đó có phục dựng lại trang phục của từng tộc người. Lễ hội Carnaval Hạ Long hằng năm, tỉnh đều triệu tập các diễn viên, nghệ nhân đại diện các dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống trình diễn trích đoạn sinh hoạt văn hoá dân gian của dân tộc mình. Trung tâm Văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc huyện Tiên Yên, Bảo tàng Quảng Ninh đã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày các trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn để giới thiệu với quần chúng nhân dân, du khách.
Do không gian văn hóa, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng thay đổi, sống trong môi trường giao thương, buôn bán, có khi là kết hôn, sinh con cùng người Kinh, nên cách ăn mặc ít nhiều bị ảnh hưởng. Mặt khác, trang phục truyền thống của họ được cho là không còn phù hợp trong điều kiện sinh hoạt, lao động thời hiện đại. Bởi vậy, nhiều năm trở lại đây, các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn tỉnh chủ yếu ăn mặc giống người Kinh và chỉ mặc trang phục truyền thống vào các dịp lễ, Tết, đám ma, đám cưới; còn lại một phần nhỏ người già (chủ yếu là nữ giới) mặc quần áo truyền thống. Hiện một số ít dân tộc thiểu số vẫn tự dệt vải và hình thành câu lạc bộ, tổ thêu may thổ cẩm; song số lượng lại không nhiều, chỉ tập trung ở một số xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bình Liêu, huyện Hoành Bồ...
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là hành trình dài lâu, không hề dễ dàng, song việc giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa này là vô cùng cần thiết. Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sẽ được phát huy đúng giá trị vốn có, đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu” của sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.