Non nước Việt Nam

Bảo tồn tri thức địa phương để phát triển Cao nguyên đá Đồng Văn

Cập nhật: 13/04/2020 08:32:07
Số lần đọc: 1115
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Công viên địa chất Đồng Văn) được các nhà khoa học đánh giá cao về giá trị khoa học địa chất, địa mạo mà hiếm có nơi nào trên thế giới có được. Với nhiều biểu hiện di sản địa chất đã được hình thành trong suốt lịch sử tiến hóa vô cùng sống động của trái đất từ khoảng hơn 500 triệu năm trước. Nơi đây chính là chiếc nôi phát sinh, phát triển và lưu giữ những giá trị khác như đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hoá - xã hội…, nên Cao nguyên đá Đồng Văn là điểm đến du lịch hấp dẫn, đó là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển.


Một góc Công viên địa chất Đồng Văn

Điều kiện tự nhiên của Công viên địa chất Đồng Văn nổi tiếng là một miền đất khát, nhưng là nơi sinh sống của 17 dân tộc ít người như dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo, Nùng, Giấy..., với văn hóa truyền thống rất đặc sắc. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, cộng đồng 17 dân tộc nơi đây qua thực tiễn cuộc sống đã dần tạo dựng cho mình những kho tàng kiến thức, giá trị văn hóa vô cùng phong phú, độc đáo của vùng. Có thể khẳng định, giá trị cốt lõi của văn hóa trên vùng Công viên địa chất Đồng Văn chính là nghệ thuật sinh tồn của các dân tộc trong điều kiện sống hết sức khắc nghiệt. 

Kể từ khi Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu trở thành chương trình chính thức của UNESCO năm 2015, để phù hợp với các mục tiêu thiên niên kỷ của Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã điều chỉnh ưu tiên 16 lĩnh vực trọng tâm để phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, trong đó có lĩnh vực ưu tiên về bảo tồn tri thức địa phương.

Khi nghiên cứu về vùng Cao nguyên đá, chúng tôi rút gia được những giá trị cốt lõi của vùng, đó là kiến thức bản địa. Trong bề dày lịch sử, cộng đồng các dân tộc sống trên Công viên địa chất Đồng Văn đã tạo dựng cho mình một kho tàng kiến thức bản địa vô cùng phong phú, đa dạng, qua nghiên cứu bước đầu chúng tôi tổng hợp một số kiến thức bản địa trên Cao nguyên đá Đồng Văn liên quan đến đời sống sinh hoạt của đồng bào như: Cách nhận biết về thời tiết thông qua những đặc điểm của tự nhiên; kinh nghiệm làm các nghề thủ công truyền thống; kinh nghiệm làm nhà trình tường, làm hàng rào đá; kiến thức về văn hóa dân gian, lễ hội; nhận biết về các loài cây, thời gian có thể trồng trọt trong điều kiện thời tiết và địa hình khác nhau; kinh nghiệm canh tác, chăn nuôi; kinh nghiệm chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.

Trong khuân khổ bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu khái quát một số nét văn hóa, đời sống tiêu biểu của cư dân trên Công viên địa chất Đồng Văn.

Thứ nhất, đó là văn hóa trang phục, trang phục của các dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn là tín hiệu để nhận biết về dân tộc, thông qua trang phục, những truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng và sự sung túc của mỗi dân tộc được phản ánh rõ nét. Bên cạnh đó, hoa văn, họa tiết là yếu tố quan trọng nhất tạo nên vẻ đẹp của các bộ trang phục. Hoa văn trên vải rất mộc mạc và được bắt nguồn từ cảnh sắc thiên nhiên, vật nuôi, cây trồng. Những họa tiết hoa văn của các dân tộc trên Cao nguyên đá đều có điểm chung là mầu sắc tươi sáng để tạo cảm giác rực rỡ cho bộ trang phục, khiến các dân tộc thường nổi bật trong mọi không gian cho dù trên nương rẫy hay tại các buổi chợ phiên...

Tiếp đến là văn hóa Lễ hội. Lễ hội trên Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành một nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống của các dân tộc. Mỗi dân tộc có tập tục lễ hội riêng. Tiêu biểu như lễ hội Gầu Tào của người Mông; Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô; Lễ cúng “Thần rừng” của người Pu Péo; Lễ hội "mừng năm mới" của dân tộc Giáy… Các lễ hội được tổ chức hàng năm đều với mục đích là cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bản làng một năm no đủ, người dân có được sức khoẻ, hạnh phúc... Đây cũng là dịp để người người gặp gỡ, vui chơi thi thố tài năng như các làn điệu dân ca giao duyên hay các điệu múa khèn, múa trống…, để các dân tộc chuẩn bị bước vào một năm mới với mong muốn gặp nhiều may mắn.

Các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn có kho tàng văn học dân gian vô cùng phong phú, đa dạng và hấp dẫn, phản ánh các quan niệm về cuộc đời, về kinh nghiệm làm ăn, tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ, tình yêu lao động..., bao gồm tục ngữ, thành ngữ, thơ ca, truyện cổ tích, chứa đựng tri thức, tâm lý, tình cảm của cả cộng đồng; mỗi dân tộc đều có kho tàng văn nghệ riêng của mình như: Truyện dân gian hàm chứa yếu tố thần thoại và hiện thực đan quyện vào nhau nhằm giải thích sự hình thành của trái đất, con người và muôn loài động thực vật, đồng thời phản ánh sự khắc nghiệt của thiên nhiên, con người phải đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn, phản ánh cuộc sống lao động cực nhọc và tình cảm yêu thương, đùm bọc và thể hiện những khát vọng lớn lao về một cuộc sống tự do và công bằng; các làn điệu dân ca trong vùng cũng là nguồn tâm sự sâu lắng, cô đọng và rất phong phú về nội dung và hình thức; tục ngữ, câu đố là kho báu trí tuệ, độc đáo của các dân tộc về kinh nghiệm sản xuất, thời vụ, thời tiết, gieo trồng, về quan hệ con người với con người với cách so sánh ví von, mộc mạc nên đã mang lại nét đặc trưng riêng. Cùng với đó là các giá trị văn học truyền miệng của đồng bào như các hình thức ca, múa, nhạc cụ của các dân tộc...

Nói đến Cao nguyên đá cần phải nói đến văn hóa chợ. Mỗi dân tộc có một nét đặc sắc riêng và mang nét đẹp đó đến với phiên chợ. Chợ trên Cao nguyên đá Đồng Văn vừa là điểm hẹn, vừa là nơi hội tụ giao lưu văn hóa của các dân tộc. Chợ không chỉ là địa điểm trao đổi, giao lưu buôn bán mà còn là nơi khoe sắc của các trang phục người dân bản địa; nơi thể hiện những cử chỉ thân mật trong nét sinh hoạt đời thường; nơi diễn ra nhiều trò chơi hấp dẫn mang đậm chất văn hóa dân gian và cũng là nơi sẻ chia tình yêu đầy chất nhân văn của những đôi trai, gái...

Trên Công viên địa chất Đồng Văn, nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, dệt, đan lát, thêu, trạm bạc khá nổi tiếng. Từ đặc trưng của môi trường sống, người dân trên vùng Công viên địa chất đã phải không ngừng sáng tạo, cải tiến để làm ra những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày và để trao đổi, buôn bán. Những làng nghề và sản phẩm được tạo ra từ bàn tay lao động sáng tạo đã làm cho bức tranh Công viên địa chất Đồng Văn càng thêm phong phú đặc sắc.

Một trong những giá trị rất riêng biệt của vùng, đó là tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá của cư dân nơi đây. Tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá là lối canh tác trên nương đá, với nhiều dân tộc trên Cao nguyên đá thực hành tri thức này hàng ngày, tuy nhiên, tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá chủ thể chính là dân tộc Mông.

Từ khái niệm về nương thổ canh có thể hiểu rằng tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá là những kinh nghiệm canh tác trên nương tại những vùng đất có xen lẫn đá. Đây là những tri thức dân gian, được đồng bào Mông sử dụng trong quá trình sản xuất canh tác trên các sườn núi đá vôi tạo thành các nương đá và truyền lại qua nhiều thế hệ. Để có đất sản xuất và hạn chế đất bị rửa trôi đất, họ cậy các tảng đá mồ côi trên mặt nương xếp thành bờ đá để chắn đất; đối với những hốc đá không có đất họ gùi đất đổ vào. Công việc cứ như vậy sau vài năm, nương đá hình thành. Cũng nhờ sáng tạo ra loại hình nương thổ canh và kỹ thuật trồng ngô trên nương đá họ bắt đầu sống định canh, xây dựng nên những bản làng định cư ngày một đông đúc hơn. Hằng năm, để đảm bảo cho cuộc sống, khi sắp bắt đầu một mùa vụ mới, ngoài việc tu sửa lại những mảnh nương của năm cũ, đồng bào còn tranh thủ kè thêm những nương mới, gùi đất đổ vào những hốc đá, mỗi năm trồng thêm một vài bắp ngô giống, do vậy vào mùa vụ hầu hết những núi đá tai mèo sắc nhọn đều được phủ một màu xanh của nương ngô. Đó là công sức của nhiều thế hệ người Mông sinh sống trên Cao nguyên đá.

Trải qua thời gian kỹ thuật thổ canh hốc đá ngày càng có chiều sâu, dần dần đồng bào rút ra được những kinh nghiệm xen canh độc đáo. Ngoài cây ngô, hiện nay họ còn trồng thêm rau, bí, đậu và một số loại cây hoa màu khác làm tăng năng xuất cũng như hiệu quả của đất canh tác, đã góp phần làm cho cuộc sống của chính những người dân nơi đây ngày một ổn định, no đủ hơn. Tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt trước kia vốn là chuyện phổ biến trên thì nay có thể nói đã gần như không còn xảy ra. Nhờ tri thức này mà cộng đồng dân tộc Mông cùng với các dân tộc thiểu số khác đã khắc phục được tình trạng thiếu đất canh tác để trồng ngô và rau mầu đảm bảo lương thực cho mỗi gia đình và cung cấp ra thị trường góp phần đảm bảo an ninh lương thực vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng thời góp phần hạn chế di cư tự do, tạo cho cộng đồng yên tâm sinh sống bám trụ, sinh tồn từ đời này sang đời khác, giữ gìn mảnh đất biên cương địa đầu của Tổ quốc.      

Kiến thức bản địa là nguồn di sản có giá trị cần được nghiên cứu đánh giá và thử nghiệm hoàn chỉnh, thông qua kiến thức bản địa để tuyên truyền, sử dụng, bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị di sản hướng tới mục tiêu phát triển bền vững được thực hiện hiệu quả hơn. Mặt khác, việc nghiên cứu tìm ra những kiến thức bản địa sẽ giúp các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu và khẳng định giá trị khoa học của những kiến thức bản địa đang tồn tại trong cộng đồng.

Để xây dựng thành công Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng ta đã có và sẽ cần đến cả hai loại “kiến thức”: Dùng “kiến thức khoa học” để giải mã “kiến thức bản địa” và ngược lại, thông qua “kiến thức bản địa” để  truyền tải “kiến thức khoa học” tới cộng đồng và tới từng du khách, qua đó để bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản trên Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, phục vụ sự phát triển của vùng và tỉnh Hà Giang.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT