Đặc sắc làn điệu Coóng Dung của người Dao Đỏ ở Cao Bằng
Người Dao đỏ (Ảnh: Báo Cao Bằng)
Cộng đồng dân tộc Dao Đỏ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có truyền thống văn hoá phong phú, giàu bản sắc, trong đó các làn điệu dân ca không chỉ làm đắm say người nghe, mà còn là khám phá thú vị về nét văn hóa, đặc sắc nổi bật qua làn điệu Coóng Dung của người Dao Đỏ.
Lũng Tỳ là xóm vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của xã Lương Thông, huyện Thông Nông với hơn 95% dân số là dân tộc Dao. Người Dao Đỏ nơi đây vẫn còn lưu giữ được rất nhiều nét văn hóa độc đáo, từ tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán đến các làn điệu dân ca truyền thống. Trải qua thời gian với nhiều thăng trầm, đến nay những làn điệu Coóng Dung của người Dao xã Lương Thông vẫn được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Những buổi giao lưu sinh hoạt của các nghệ nhân hát Coóng Dung ngày nay đã trở nên hiếm hoi. Tuy nhiên, sự yêu thích của người Dao Đỏ với làn điệu Coóng Dung vẫn luôn hiện hữu. Chỉ cần nghe văng vẳng điệu Coóng Dung là người già, người trẻ, trai gái khắp bản chẳng ai bảo ai đều cùng nhau tụ tập cùng thưởng thức.
Bà Triệu Thị Diết, xóm Lũng Tỳ, xã Lương Thông, chia sẻ: “Lâu lắm tôi mới lại được nghe hát Coóng Dung. Nghe rồi lại nhớ lại thời trước của chúng tôi vẫn thường hát khi đi rẫy hay đi đám cưới. Giờ mọi người hát ít hơn rồi”.
Em Triệu Thị Chảng, xóm Lũng Tỳ, xã Lương Thông cho hay: “Thế hệ trẻ chúng em bây giờ thường hay hát nhạc trẻ hơn, ít được nghe và cũng không biết hát Coóng Dung nữa rồi. Nhưng mỗi lần nghe hát Coóng Dung là chúng em lại cảm thấy rất tự hào. Sau này em cũng sẽ tập hát để giữ gìn bản sắc của dân tộc”.
Dân ca của người Dao đa dạng, phong phú với 2 thể loại: Phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân trong đời sống thường ngày và loại hình tồn tại trong các nghi lễ phong tục tập quán, tín ngưỡng. Coóng Dung là làn điệu như dạng ngâm thơ.
Cùng với các làn điệu khác như Páo Dung, Pá Dung, Tồ Dung của đồng bào Dao, nội dung hát Coóng Dung đều có nét chung là phản ánh về các lĩnh vực đời sống tinh thần, tình yêu lứa đôi, nhân đức, kính hiếu cha mẹ, biết ơn tổ tiên, yêu lao động, quê hương, triết lý cuộc sống... Ca từ thường theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, có vần điệu, giàu hình ảnh ví von, ý nhị sâu sắc, cảm hóa, cuốn hút lòng người, có thể do những người hát sáng tác, đối đáp một cách thông minh, dí dỏm, tài tình, hoặc do người già giỏi chữ nghĩa, hiểu biết trong làng ứng tác hộ cho người hát.
Cả hai trường hợp đều là ca từ ngẫu hứng, phóng tác tại chỗ, không có bài bản chuẩn bị từ trước. Mỗi dịp hát giao duyên Coóng Dung cũng là dịp nam thanh, nữ tú gặp nhau tìm hiểu dẫn đến tình yêu đôi lứa.
Theo những người có tuổi trong làng, ngày trước chỉ cần nhìn thấy là hát đối đáp nhau. Giờ đây, điệu Coóng Dung chỉ còn xuất hiện và biểu diễn trong những dịp kỷ niệm lễ hội, ngày hội của xóm, xã…Nghệ nhân Triệu Dào Siểu, xã Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Dân ca dân tộc Dao hiện nay vẫn còn nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một, rất ít người biết hát và sáng tác lời cho dân ca. Những người biết hát và biết thưởng thức dân ca hiện nay từ 40, 60 tuổi trở lên. Bởi ca từ của các bài Coóng Dung học rất khó, thường ít lời nhiều ý, đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc. Nhiều bạn trẻ khi học hát Coóng Dung chỉ biết hát chứ không thể dịch lời”.
Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Dao Đỏ ở xóm Lũng Tỳ, xã Lương Thông, huyện Thông Nông vẫn lạc quan trong lao động sản xuất, dùng lời ca, tiếng hát để xích lại gần nhau, đoàn kết, chia sẻ cùng phát triển. Những người yêu thích hát Coóng Dung trong thời gian qua đã và đang tích cực góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Dao cho thế hệ trẻ mai sau. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam./.