Thuyền độc mộc ở Tây Nguyên, khát vọng từ ngàn xưa
Sự hòa hợp với thiên nhiên
Tây Nguyên là vùng đất có chung đặc điểm là khu vực hẹp, đất đai nghèo dinh dưỡng, địa hình dốc, dễ sạt lở và thường bị chia cắt bởi nhiều nhánh sông ngắn với 4 hệ thống sông chính, thượng sông Sê San, thượng nguồn sông Sêrêpôk, thượng nguồn sông Ba và sông Đồng Nai. Những con sông lớn như sông Sêrêpôk, dài 406 km và có nhiều thác ghềnh hùng vĩ, sông Đắk Bla dài 139 km. Sông Sê San có chiều dài 237 km, Sông Đồng Nai với chiều dài trên 437 km… Những con sông dài này được hợp bởi nhiều con sông, suối nhỏ đã nuôi dưỡng trong những cánh rừng đại ngàn nên chúng có lưu lượng nước rất lớn, hệ sinh thái của sông rất phong phú và đa dạng nên từ xa xưa, đây là nguồn cung cấp nước tưới, phù sa, thủy sản, nguồn nước sinh hoạt và giao thông thuỷ quan trọng cho cư dân quanh vùng.
Thuyền độc mộc còn gọi là cái “sõng”, tiếng Ba Na là “Plung” có lẽ là loại phương tiện đường thủy cổ xưa, phù hợp nhất và là minh chứng khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên của chủ thể văn hóa bản địa. Nó được chủ thể văn hóa sáng tạo làm phương tiện vận chuyển lương thực, giúp chính họ vượt sông, hồ, suối cũng như đánh bắt thủy sản và gắn kết lại với nhau. Được làm từ loại cây gỗ nguyên khối, chỉ có loại thuyền này mới có thể đi được trên các dòng sông ở Tây Nguyên vốn thường hẹp và dốc, nhiều gềnh, đáy có nhiều đá, chịu được sức va đập mạnh.
Gỗ để làm thuyền được chủ thể văn hóa đẵn từ trên rừng, thường là các loại như cây Sa Ché (Sao xanh), lim, Breng hay cây Dhi Grier (Sao Cát) nhưng tốt nhất là Hơmal hoặc Rơ Man. Đây là những loại cây có nhiều trong rừng sâu của đại ngàn vùng Miền Trung - Tây Nguyên. Khi chúng còn tươi khá mềm, dễ gọt đẽo, nhưng khi khô rất chắc, bền nhưng không ròn mà dai, chịu nước tốt, chịu được mối mọt.
Tuy nhiên, việc khai thác gỗ để làm thuyền độc mộc hay làm nhà đều được thực hiện cẩn trọng với những quy định, nghi lễ chặt chẽ trong các luật tục.
Theo tín ngưỡng đa thần, đối với đồng bào, cây cối cũng có linh hồn, là thần cây nên việc đẵn lấy gỗ không phải là việc đốn hạ bừa bãi, chặt phá hàng loạt, khai thác trắng. Cây phải có tuổi đời từ mấy chục năm và trước khi hạ cây phải tiến hành các nghi lễ cúng xin phép thần cây, xin thần rừng. Quá trình đốn hạ cây cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng những cây non xung quanh gốc.
Luật tục của các cộng đồng bản địa Tây Nguyên đều có nhiều điều khoản bảo vệ rừng cũng như nguồn nước. Luật tục Ê Đê có quy định: “Làm rẫy không được phát rừng già. Làm nhà không được chặt cây to. Chặt một cây phải trồng bảy cây. Chặt cây to phải chừa cây con. Làm như thế rừng không bị mất. Làm như thế rừng xanh tươi mãi mãi”. Điều 18 trong luật tục M’nông có quy định: “Rừng bị cháy mà không dập tắt, Người đó sẽ không có rừng, Người đó sẽ không có đất”…
Sức sáng tạo lớn lao từ khát vọng ngàn xưa
Như tất cả các sản phẩm truyền thống dân gian khác, thuyền độc mộc khó xác định chính xác thời điểm được chủ thể văn hóa sáng tạo nên nhưng nó có nguồn gốc từ cổ xưa. Không chỉ ở Việt Nam, thuyền độc mộc được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, nơi có những bộ tộc hoang sơ và rừng nguyên sinh còn nhiều cây gỗ lớn. Ở Việt Nam, dấu tích cổ xưa nhất về loại thuyền này là con thuyền Việt Khê thời Đông Sơn được giới khảo cổ học phát hiện và những hình chạm khắc trên trống đồng và thạp đồng Đào Thịnh.
Thuyền độc mộc có lẽ là biểu tượng văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với con người thời xa xưa. Với người Ê Đê và Gia Rai, Ba Na, nhà dài truyền thống hay ghế K’pan của người Ê Đê chính là hình dáng con thuyền độc mộc.
Mỗi con thuyền cũng chính là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân của người chế tác. Từ xa xưa, các cộng đồng bản địa Tây Nguyên muốn đẽo được một chiếc thuyền độc mộc phải cần 5 - 7 thợ có sức vóc và kinh nghiệm để vào rừng sâu tìm, cây phải có chiều dài cả chục mét, thân cây vài người ôm mới có thể làm được con thuyền có độ dài phổ biến 5 - 6m, lòng thuyền rộng khoảng 0,5 - 0,6 m.
Để một thân cây gỗ nguyên khối không chỉ nổi và cân bằng trên mặt nước, mà còn lướt trên sóng, chịu sự điều khiển của con người đòi hỏi việc chế tác thật chính xác. Theo truyền thống, khi đã hạ thủy, người ta không được phép sửa chữa con thuyền thêm lần nào nữa. Công việc đo đạc, tính toán, đẽo thuyền phải thật chính xác. Thuyền phải cân đối suốt thân, mũi, đáy. Để đo sự cân bằng của con thuyền, những người thợ dựa vào sự cân bằng của 1 quả trứng gà khi đặt thẳng đứng giữa lưng thuyền đang úp xuống. Gắn với chiếc thuyền độc mộc, ngoài tri thức dân gian được tích lũy về chọn lựa gỗ, quy trình chế tác, cách thức sử dụng, các cộng đồng bản địa Tây Nguyên còn có những nghi lễ, phong tục tập quán…mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện cách ứng xử giữa con người với tự nhiên, rừng và sông nước.
Việc sử dụng thuyền độc mộc còn thể hiện sức mạnh của con người trong chế ngự thiên nhiên. Phải là những người có sức khỏe, sự dẻo dai và kinh nghiệm sông nước mới chèo lái được con thuyền trên những dòng sông nhiều ghềnh, thác. Trong kháng chiến chống Mỹ, bằng thuyền độc mộc, những người con bên dòng Pô Kô đã đưa bộ đội Cụ Hồ qua sông và vận chuyển vũ khí, quân trang, lương thực cho các mặt trận.
Hàng năm, ở nhiều nơi, cư dân dọc các con sông lớn của Tây Nguyên còn tổ chức hội đua thuyền độc mộc rất sôi động. Đến với Tây Nguyên hôm nay, tìm đến những lễ hội đua thuyền độc mộc để cùng chiêm ngưỡng di sản xa xưa, khám phá một biểu tượng văn hóa đặc sắc của con người nơi đây./.