Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghề thủ công truyền thống giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 26 di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình. Nghề thủ công truyền thống có 12 di sản (Nghề đóng xuồng, ghe; Nghề dệt chiếu; Nghề trồng hoa, kiểng; Nghề làm bột; Nghề làm bánh phồng tôm; Nghề làm nem; Nghề đan đát; Nghề dệt choàng; Nghề trồng quýt hồng; Nghề đan lưới; Nghề làm thớt và Nghề rèn). Trong đó, “Nghề đóng xuồng, ghe” xã Long Hậu, huyện Lai Vung và “Nghề dệt chiếu” xã Định An, xã Định Yên, huyện Lấp Vò được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Số hộ tham gia làm nghề khoảng 1.356 hộ (chiếm 12,53% tổng số hộ trên địa bàn có làng nghề truyền thống), với khoảng 3.665 lao động, trong đó 2.870 lao động thường xuyên. Tổng doanh thu của các làng nghề khoảng 298,5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân khoảng 2,25 triệu đồng/người/tháng. Nhìn chung, hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này đã để lại giá trị quý báu, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Làng nghề đóng xuồng ghe Bà Đài - Ảnh: TTXTDL Đồng Tháp
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống: “Nghề đóng xuồng, ghe” xã Long Hậu, huyện Lai Vung và “Nghề dệt chiếu” xã Định Yên, Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (sau đây gọi tắt là di sản Nghề thủ công truyền thống) giai đoạn 2021 – 2025, với những nội dung cụ thể như sau:
Giai đoạn 2021 – 2023: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa Nghề thủ công truyền thống trong hoạt động du lịch; Nâng cấp hạ tầng giao thông nội bộ làng nghề và kết nối giao thông giữa làng nghề với các trung tâm đô thị, kết nối tour – tuyến, đưa khách du lịch tham quan làng nghề. Xây dựng khu trưng bày sản phẩm và bán sản phẩm lưu niệm, kết hợp phục vụ du khách trong các tour du lịch văn hóa làng nghề và du lịch mua sắm. Xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư sản xuất, xúc tiến, phân phối sản phẩm của “Nghề đóng xuồng, ghe” và “Nghề dệt chiếu”; liên kết các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trong làng nghề tham hội nghị, hội chợ kết nối cung cầu giữa các tỉnh thành trong cả nước.
Tổ chức các lớp tập huấn, truyền nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động trên địa bàn làng nghề; Tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả ở các tỉnh, thành phố trong nước; Tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
Giai đoạn 2024 – 2025: Nhân rộng các mô hình sản phẩm làng nghề phục vụ đời sống đương đại, mô hình phát triển làng nghề gắn kết với hoạt động du lịch, trải nghiệm hoạt động có hiệu quả; Tăng cường hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch Covid-19, phòng cháy chữa cháy tại làng nghề gắn với du lịch; Tổ chức xuất bản các ấn phẩm sách, ảnh giới thiệu, quảng bá về di sản.
Ứng dụng các giải pháp, mô hình cải tiến công nghệ sản xuất, quy trình, nguyên vật liệu, mẫu mã sản phẩm; ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Youtube,…; Tổng kiểm kê di sản, đánh giá thực trạng, bổ sung hồ sơ khoa học di sản văn hóa làm cơ sở định hướng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn tiếp theo; Tổ chức tôn vinh nghệ nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghề thủ công truyền thống; Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
Mục đích của Kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghề thủ công truyền thống góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức sáng tạo của nhân dân gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, Kế hoạch nhằm quảng bá, nâng cao hình ảnh của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị và cộng đồng về nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Nghề thủ công truyền thống, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu có tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phong tục tập quán và nếp sinh hoạt của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Lai Vung, huyện Lấp Vò nói riêng, tỉnh Đồng Tháp nói chung; Phân kỳ giai đoạn đầu tư bảo vệ và phát huy giá trị di sản phải phù hợp với khả năng và nguồn lực địa phương, chú trọng hiệu quả bảo tồn di sản – tài nguyên du lịch và bảo vệ tài nguyên môi trường, để công tác bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề phát triển bền vững./.
Thủy Bích