Hoạt động của ngành

TP Hồ Chí Minh nỗ lực vực dậy ngành du lịch

Cập nhật: 23/06/2021 08:36:51
Số lần đọc: 702
Những đợt dịch Covid-19 trong gần hai năm qua khiến cho ngành du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước lao đao. Nhất là khi đợt dịch thứ tư bùng phát dữ dội tại thành phố đã đẩy ngành du lịch trên địa bàn tiếp tục chìm vào khó khăn, đòi hỏi có những chính sách hỗ trợ kịp thời để vực dậy hoạt động của ngành.  


Du khách tham quan Khu du lịch Một thoáng Việt Nam khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, khi dịch bắt đầu xuất hiện vào đầu năm nay, hơn 930 đoàn thuộc 26 doanh nghiệp (DN) lữ hành đầu ngành phải hủy tua với số lượng hơn 43.100 khách, gây thiệt hại cho các DN lữ hành hơn 363 tỷ đồng. Từ cuối tháng 4 năm 2021, tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước và diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các DN du lịch, nhất là trong thời gian chuẩn bị cho đợt cao điểm hè năm 2021. Hoạt động của DN và lao động trong ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn, các đơn vị lữ hành tuy không có doanh thu nhưng vẫn chi trả các khoản chi phí cố định như tiền mặt bằng, lương, bảo hiểm, thuế… tạo gánh nặng cho các DN. Hiện trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ còn khoảng 50% số lượng DN lữ hành đang hoạt động. Trong đó, có đến 90% DN lữ hành vừa và nhỏ, DN lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound đã tạm ngưng hoạt động. Từ ngày 01/01/2020 đến 31/5/2021 có tổng cộng 171 DN kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành (trong đó có 152 DN kinh doanh lữ hành quốc tế và 19 DN kinh doanh lữ hành nội địa). Một số DN lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, DN vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng, một số DN dựa trên nguồn vốn dự phòng còn lại để hoạt động. Bên cạnh đó, các DN đều cắt giảm từ 50  đến 80% lao động để duy trì hoạt động kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.

Theo Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa, hoặc tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa. Trong khi đó, các đơn vị vận chuyển du lịch gần như ngưng hoạt động hoàn toàn. Không đủ lượng khách để duy trì hoạt động, các đơn vị vận chuyển du lịch gặp khó khăn trong việc tiến hành bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, dịch vụ định vị và các vấn đề thay đổi nhân sự. Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài cho biết: Doanh thu của đơn vị vận chuyển hầu như phụ thuộc vào lượng khách du lịch, nên trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, tình hình kinh doanh của đơn vị vận chuyển giảm từ 60 đến 80%. Hiện tại, nhằm duy trì hoạt động, các đơn vị vận tải khách du lịch buộc phải bán bớt phương tiện vận chuyển để trả nợ ngân hàng, chi phí bảo dưỡng, kiểm định, lương tài xế,…; một số đơn vị chuyển đổi hình thức hoạt động vận chuyển công nhân cho các xí nghiệp, nhà máy, công ty, đối tượng đi cách ly để duy trì hoạt động.  Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Nguyễn Thị Khánh cho rằng, để hỗ trợ giúp DN du lịch khôi phục trong mùa dịch, Nhà nước cần có những cơ chế đặc thù, ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi, hỗ trợ trong các chính sách vay vốn. Chính vì thế, Hiệp hội Du lịch thành phố vừa có văn bản kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch như: Giảm mức lãi suất vay đang áp dụng, không áp dụng chuyển nhóm nợ; gia hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trước thực trạng ngành du lịch đang chìm trong khó khăn, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND thành phố xem xét, trình Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của dịch Covid-19 để bổ sung một số chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch sớm phục hồi, phát triển theo đúng định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới. Giám đốc Sở Du lịch thành phố Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết: Sở cũng  đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động; xem xét kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các DN du lịch trong năm 2021. Ngoài ra, Sở Du lịch đã đề xuất UBND thành phố xem xét trình HĐND thành phố chấp thuận chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp với lãi suất vay 0% cho DN du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để trả lương cho người lao động;  quan tâm xem xét có cơ chế, chính sách đào tạo với đối tượng là viên chức Trung tâm Xúc tiến du lịch, đội ngũ quản lý DN lữ hành, khách sạn, lực lượng hướng dẫn viên du lịch, phục vụ buồng bàn nhằm tái cấu trúc, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch thành phố; đồng thời, để giữ chân lực lượng này trong điều kiện hoàn cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19. Sở cũng đề xuất UBND thành phố có chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kích cầu du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2021 sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát./.

Bài và ảnh: Bảo Linh

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục