Du lịch nông nghiệp Xứ Lạng: Hướng phát triển nhiều tiềm năng
Những ngày đầu tháng 6/2021, người dân xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn) phấn khởi bước vào mùa thu hoạch nho và mở cửa cho khách tham quan. Chị Nguyễn Thu Thảo, phường Tam Thanh cho biết: Thấy mọi người chia sẻ trên facebook nên tôi đưa cả gia đình đến đây chơi. Hai cháu nhỏ nhà tôi rất hào hứng khi có cơ hội thử làm “bác nông dân” và chụp nhiều bức ảnh kỷ niệm.
Du khách tham quan và chụp ảnh tại vườn nho tại thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn
Nói về việc làm du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp, anh Hoàng Văn Nghiệm, chủ vườn nho thôn Khòn Pát, xã Mai Pha cho biết: Từ năm 2019, tôi thực hiện mở cửa vườn nho (hơn 1,5ha và 5.000 gốc) phục vụ du khách. Đến năm nay, tôi đã trồng thêm hoa hướng dương và thu phí tham quan với mức giá 20 nghìn đồng/người. Ngoài ra, tôi cũng tổ chức các dịch vụ kèm theo như cho thuê phụ kiện, tự hái quả ở vườn… Nhờ đó, vườn nho của tôi được nhiều người biết đến và việc tiêu thụ nho cũng thuận lợi hơn.
Cũng như gia đình anh Nghiệm, gia đình chị Hoàng Thị Lung, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng đã tận dụng vườn mận để phát triển du lịch. Chị Lung cho biết: Với hình thức du lịch trải nghiệm vườn mận, cả vụ mận năm nay, gia đình tôi thu về gần 20 triệu đồng, trong khi nếu mang hơn 1 tấn mận bán với giá trung bình 5.000 đồng/kg ngoài chợ thì chỉ được hơn 5 triệu đồng.
Gia đình anh Nghiệm, chị Lung chỉ là hai trong số rất nhiều gia đình năng động phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trong tỉnh. Thực tế thời gian qua, du lịch nông nghiệp Lạng Sơn ngày càng có sức hút đối với du khách như: mô hình vườn cam, vườn mận, hạt dẻ, dâu tây (thành phố Lạng Sơn), trải nghiệm gặt lúa, bắt cá tại làng du lịch cộng đồng Hữu Liên (Hữu Lũng), trải nghiệm vườn hoa, cánh đồng lúa chín vàng (Bắc Sơn), du lịch vườn na (huyện Chi Lăng)… đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Du khách tham quan và chụp ảnh tại vườn hoa hướng dương thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn
Ngoài các hình thức trải nghiệm miệt vườn, các mô hình du lịch trải nghiệm quá trình sản xuất nông sản hoặc làng nghề ngày càng được các gia đình lựa chọn và được đầu tư xã hội hóa với nhiều hình thức. Được biết, Lạng Sơn hiện có nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng đã được công nhận là sản phẩm OCOP như: thạch đen (Tràng Định), cao khô Chợ Bãi (Văn Quan), cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), bánh phở (Lộc Bình)…
Theo Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030”, hiện toàn tỉnh đã tiêu chuẩn hóa được 30 sản phẩm. Từ những lợi thế đó, các địa phương có cơ sở để lựa chọn, tìm hướng phát triển các sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Theo đó, một số huyện đã và đang thực hiện chủ trương phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn liền với du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Từ năm 2019 đến nay, huyện đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP là khoai lang và chanh rừng Mẫu Sơn, bánh phở tươi, khô. Hiện nay, chúng tôi đã và đang phối hợp với phòng chuyên môn tăng cường quảng bá các sản phẩm này gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện xây dựng mô hình dịch vụ nông nghiệp đạt tiêu chuẩn như: chưng cất rượu thủ công, làm men lá của đồng bào Dao Mẫu Sơn; tham quan, thưởng ngoạn vườn đào, mận…
Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư trong phát triển du lịch. Bà Trần Thị Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng một số tour, tuyến du lịch gắn với nông nghiệp như: Tuyến du lịch sinh thái tại một số điểm trồng quýt, trải nghiệm thung lũng hoa (Bắc Sơn); tuyến du lịch cộng đồng tại các xã Hữu Liên, Yên Thịnh (Hữu Lũng). Ngoài ra, trong tất cả các gian hàng tham gia các sự kiện hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế, trung tâm đều dành riêng 1 gian để trưng bày về các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP của Xứ Lạng.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị tập trung phát triển các tour du lịch nông nghiệp tại các khu điểm du lịch. Bên cạnh đó, ngành đã đưa các sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào các tour du lịch trải nghiệm phục vụ du khách. Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ tăng cường phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện từng địa phương; nỗ lực khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt của từng nơi để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, góp phần thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn.
Trong bối cảnh du lịch Lạng Sơn luôn cần những sản phẩm mới lạ, thu hút du khách, phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có được xác định là hướng đi mở ra nhiều kỳ vọng cho nền công nghiệp không khói của tỉnh./.
Tuyết Mai