Thừa Thiên Huế: Giữ thương hiệu du lịch qua mùa dịch
Chèo SUP trên sông Hương là sản phẩm mới của Huế gần đây (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: MC
Khẳng định thương hiệu riêng
Nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đối mặt với hoạt động du lịch khó khăn trong đại dịch, cách phản ứng của các doanh nghiệp rơi vào hai dạng: bình tĩnh và tối thiểu hóa mọi thứ về mức duy trì cho đến khi mọi việc trở lại bình thường và dạng thứ hai, nhiều doanh nghiệp coi đây là cơ hội để “tung” ra thị trường những sản phẩm không giống lúc bình thường. Tận dụng thời cơ để sáng tạo nên những dịch vụ mới mẻ.
Qua nghiên cứu này có thể thấy, dịch bệnh là thách thức, cũng là thời cơ cho những thương hiệu khẳng định mình và những thương hiệu mới xây dựng, hình thành thêm. Nếu có nỗ lực và tìm được hướng đi phù hợp, cơ hội luôn được mở ra cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, duy trì kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh đã khó, giữ được thương hiệu càng khó hơn. Để có đánh giá tổng quan, chính xác về thương hiệu du lịch có được duy trì do tác động bởi dịch bệnh, phải đợi sau khi du lịch trở lại hoạt động bình thường. Trong giai đoạn hiện nay, duy trì được giá trị cốt lõi kinh doanh, không thay đổi quá nhiều theo hướng sụt giảm chất lượng, cùng với đó là sự sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo dựa trên nền tảng thương hiệu có sẵn đã là thành công đối với các doanh nghiệp du lịch.
Điều được nhìn nhận thời gian qua, dù chịu tác động bởi dịch bệnh, song chất lượng các sản phẩm, dịch vụ vẫn được đảm bảo. Theo các doanh nghiệp, nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng của du khách ngày càng tăng. Không vì dịch bệnh mà xu hướng đó bị giảm đi, ngược lại đòi hỏi phải cao hơn. Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng chia sẻ, dịch bệnh đòi hỏi doanh nghiệp phải tỉ mỉ trong các khâu phục vụ khách, sao cho chu đáo, du khách cảm thấy an tâm nhất, mới có thể kích thích được nhiều du khách khác cùng lựa chọn sử dụng sản phẩm.
Trên một số diễn đàn du lịch gần đây chia sẻ, rất bất ngờ khi nhiều điểm đến trong cả nước không thu hút được khách, thì các resort, điểm nghỉ dưỡng ở Huế vẫn duy trì hoạt động, dù lượng khách không nhiều. Theo Sở Du lịch, bên cạnh giữ chất lượng, nhiều điểm nghỉ dưỡng có những chương trình rất khác biệt, độc đáo, như sử dụng bể bơi, đặt bữa ăn tối sẽ tặng phòng lưu trú. Những thương hiệu mới được hình thành và theo một số doanh nghiệp, đó sẽ là giá trị cho chiến lược kinh doanh tiếp theo, như một số điểm chuyển sang tập trung khai thác những dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Cần làm tăng tính đẳng cấp của du lịch văn hóa - di sản. (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Một thế mạnh đang được bồi đắp để trở thành thương hiệu mạnh mẽ hơn của du lịch Huế là sự tận tình, chu đáo, điểm đến “an toàn và mến khách”. Lãnh đạo Sở Du lịch thông tin, đã hơn một năm chia tay trở về nước sau khi đến Huế và phải cách ly bất đắc dĩ, những du khách quốc tế vẫn liên tục gửi lời thăm đến ngành du lịch Huế, họ không quên gửi lời cảm ơn và hứa một ngày nào đó sẽ quay trở lại Cố đô xinh đẹp.
Tìm giải pháp trong khó khăn
Ông Trần Hữu Thùy Giang phân tích, trong kinh doanh, thương hiệu cốt lõi như là kim chỉ nam xuyên suốt trong triết lý kinh doanh của doanh nghiệp. Sẽ có những giai đoạn doanh nghiệp phải đứng trước sự lựa chọn mang tính sống còn, như giai đoạn dịch bệnh hiện nay buộc doanh nghiệp phải cân nhắc lựa chọn nào là quan trọng, khách hàng muốn theo đuổi là ai.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong giai đoạn mà doanh nghiệp tìm mọi cách để thu hút khách, với những chương trình kích cầu giảm giá sâu, doanh nghiệp cần cam kết đảm bảo về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Bên cạnh giữ vững cam kết chất lượng, vấn đề đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho du khách cũng được đặt lên hàng đầu. Chất lượng và an toàn dường như là hai giải pháp, cũng là hai thương hiệu mà doanh nghiệp du lịch cần tập trung thực hiện, không thể nào khác trong giai đoạn hiện nay.
Theo Sở Du lịch, nghiên cứu từ Đại học Harvard (Mỹ) đã chỉ ra rằng, 95% khách hàng đưa ra quyết định lựa chọn mua hàng, đặt tour, nơi lưu trú là dựa trên tiềm thức của bản thân. Điều đó có nghĩa, những doanh nghiệp chia sẻ những giá trị cốt lõi gần với những lý tưởng mà khách hàng đặt niềm tin sẽ chiếm thế thượng phong trong các cuộc cạnh tranh điểm đến. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai, khi xây dựng thương hiệu mới, doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu, xu hướng của du khách.
Theo các chuyên gia, dưới góc nhìn khủng hoảng bệnh dịch như một cơ hội làm thương hiệu, doanh nghiệp nên tìm cách dung hòa hai phương án, cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động, vận hành, chi phí... để duy trì sự sống sót; mặt khác, khai thác những cơ hội do đại dịch mang lại để xúc tiến những công việc mà trong điều kiện bình thường rất khó tiến hành, do áp lực thời gian, mục tiêu và kết quả kinh doanh, sự trì trệ trong quản lý, sự thiếu cấp tiến trong áp dụng cái mới...
Về định hướng thương hiệu chung của du lịch Huế từ tác động của dịch bệnh, lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, sẽ có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới được hình thành nhằm tăng thêm phần phong phú, đa dạng cho du lịch Cố đô.
Bài, ảnh: Đức Quang