Hoạt động của ngành

Bình Phước: Tìm lại sức sống cho nhạc cụ độc đáo của đồng bào XTiêng

Cập nhật: 23/06/2021 08:10:47
Số lần đọc: 613
Cồng chiêng, kèn sừng trâu là hai nhạc cụ truyền thống được đồng bào dân tộc XTiêng ở Bình Phước coi như vật “gia bảo” linh thiêng nhất, có giá trị lớn trong gia đình và cũng là bản sắc văn hóa của cộng đồng. Một thực tế đáng báo động hiện nay là, kèn sừng trâu nói riêng và cồng chiêng nói chung của người XTiêng đang đứng trước nguy cơ mai một dần theo thời gian.  


Cồng chiêng của người XTiêng có nhiều nét độc đáo riêng về tính năng nhạc khí, biên chế số lượng, phương pháp diễn tấu và nhất là sự phối hợp biểu diễn giữa cồng chiêng và kèn sừng trâu. Một vài thập niên gần đây, ở Bình Phước xảy ra tình trạng “chảy máu” cồng chiêng. 

Nguyên nhân là do sự giao lưu giữa các nền văn hóa hiện đại đã tác động sâu sắc tới nền văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Mặt khác, một số đối tượng xấu lợi dụng tín ngưỡng của một bộ phận người dân để lôi kéo, xúi giục đồng bào bán hết cồng chiêng, hủy bỏ lễ hội. Thêm vào đó là những người buôn bán đồ cổ từ các nơi về buôn làng dụ dỗ đồng bào bán cồng chiêng để “đầu nậu” kiếm lời.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bù Gia Mập Điểu Kiêng chia sẻ, ngoài sự tác động của những yếu tố khách quan thì một bộ phận đồng bào có cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp cho nên nhiều gia đình đã đem bán cồng chiêng để giải quyết nhu cầu trước mắt. Mặt khác, các lễ hội văn hóa dân gian của người XTiêng đang bị mai một cũng làm ảnh hưởng đến không gian diễn tấu của cồng chiêng…

Để ngăn chặn nạn “chảy máu” và sự mai một các lễ hội truyền thống lâu đời của người XTiêng, nhiều năm nay, tỉnh Bình Phước và ngành văn hóa đã có các chính sách cho những gia đình, những người gìn giữ cồng chiêng. Đồng thời mở nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng cho lớp trẻ học các kỹ thuật đánh và chỉnh chiêng, góp phần phát triển không gian văn hóa cồng chiêng, tạo điều kiện để các em tiếp nối truyền thống của cha ông, ý thức được sứ mệnh gìn giữ văn hóa dân tộc.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung, trong những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều chính sách quan tâm đến việc xây dựng lại văn hóa cồng chiêng của người XTiêng. Trong các ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở các khu dân cư, tỉnh đều khuyến khích biểu diễn cồng chiêng. Hay trong các đợt liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc cấp huyện, cấp tỉnh luôn có phần thi tài biểu diễn cồng chiêng.

Một trong những nhạc cụ gắn liền với cồng chiêng ở Bình Phước là kèn sừng trâu. Không ai còn nhớ rõ kèn sừng trâu xuất hiện từ khi nào, chỉ biết từ xưa rất xưa, tộc người XTiêng trên đất Bình Phước đã biết dùng sừng trâu để chế tác ra tiếng kèn diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc.

Khác với tù và, lỗ thanh âm kèn sừng trâu của người XTiêng được khoét ở ngay giữa sừng. Chỉ với ngọn lửa và con dao côi, người XTiêng đã chế tác được chiếc kèn sừng trâu mang nhiều cung bậc, thang âm khác nhau. Để âm thanh của chiếc kèn vang lên như tiếng suối, thanh thoát như tiếng chim, ngân vang như tiếng voi rừng, người chế tác phải hơ sừng trâu trên ngọn lửa, sau đó dùng dao côi gọt giũa thật chính xác, tỉ mỉ. Phần lưỡi gà của chiếc kèn được chế tác bằng thanh tre gai lâu năm để vừa bảo đảm dẻo dai, vừa mềm mại nhằm tạo ra độ rung của thang âm. Vật liệu có chức năng kết nối sừng trâu với thanh tre để giữ hơi được người XTiêng dùng sáp ong đất rừng pha với một số phụ chất tự nhiên khác.

Nghệ nhân Điểu Hoi, một trong số ít người biết chế tác kèn sừng trâu ở thôn Đắc Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập cho biết, bộ kèn sừng trâu có sáu cái cho nên để làm được bộ kèn, người chế tác phải sưu tầm vài năm hoặc lâu hơn. Chưa hết, người chế tác loại nhạc cụ này phải am tường từng cung bậc thang âm của tiếng cồng, tiếng chiêng. Bởi mỗi bộ kèn sừng trâu đều dựa trên nền tảng thang âm của tiếng cồng chiêng. Do vậy, mỗi bộ kèn sừng trâu chỉ tương thích và dùng đúng cho một bộ cồng hoặc một bộ chiêng.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Phi Long và nhạc sĩ Kpa Y lăng, người XTiêng dùng đôi tay của mình để chặn, ngắt tiếng cồng đã là một nét riêng độc đáo. Đặc biệt, khi người XTiêng kết hợp cồng chiêng với kèn sừng trâu để diễn tấu thì không có sự độc đáo nào bằng. Sự độc đáo của chiêng và kèn sừng trâu là khi biểu diễn cùng nhau, một người phải cùng lúc sử dụng cả hai nhạc cụ này. Tay thì đánh chiêng còn kèn sừng trâu thì được đeo trên đầu, miệng ngậm vào lỗ hơi để thổi và cứ tay đánh bài chiêng nào thì miệng lại thổi bài chiêng đó, nhịp điệu và tiết tấu phải rất nhịp nhàng với nhau.  Đây là nét khác biệt giàu tính nhân văn trong nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng giữa người XTiêng với các tộc người khác trên cao nguyên.

Tâm huyết về các loại nhạc cụ truyền thống cũng như thấy được nguy cơ mai một của tiếng kèn sừng trâu, Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Phước Vũ Ngọc Lương cho biết thêm: “Toàn tỉnh Bình Phước hiện nay chỉ có duy nhất đội cồng chiêng của xã Phú Nghĩa biết sử dụng song hành cồng chiêng với kèn sừng trâu như một thực thể của nhạc cụ. Và cả tỉnh hiện nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân Điểu Hoi ở thôn Đắc Á, xã Bù Gia Mập biết chế tác kèn sừng trâu và am hiểu tận tường nghệ thuật cồng chiêng.

Nếu không sớm xây dựng các chính sách bảo tồn thì trong tương lai gần, chúng ta không bao giờ nghe được tiếng kèn sừng trâu song tấu cùng với cồng chiêng”./.

Bài và ảnh: Nhất Sơn

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục