Bên những nếp nhà cổ Yên Trường
Cùng với những phong tục đẹp, người dân ở làng Yên Trường vẫn giữ được những nếp nhà cổ
Không gian đẹp
Vào làng Yên Trường, men theo những con ngõ nhỏ, tôi miên man chiêm ngưỡng cổng nhà cổ, giếng cổ và không gian rêu phong, gần gũi. Người dân mộc mạc, chất phác và mến khách. Các thực thể làng gợi chất quê như cây đa, bến nước, sân đình được bảo tồn. Nhiều ngôi nhà ở Yên Trường rất độc đáo với vật liệu làm từ đá ong. Tường nhà, tường rào, cổng nhà... không màu mè, không cầu kỳ, những bức tường đá ong sậm như sáp mật. Đặc biệt, làng còn giữ được di tích lịch sử như Bãi Pháo, Bãi Giỗi nơi diễn ra những trận đánh giữa quân của Hai Bà Trưng và quân xâm lược nhà Hán.
Làng Yên Trường hiện còn hơn chục ngôi nhà cổ. Ngoài nhà cổ, trên toàn xã có vài ngôi nhà giả cổ, bởi làng Phù Yên thuộc xã Trường Yên nổi tiếng có những người thợ dựng nhà giả cổ khéo tay. Họ có công tu sửa nhiều nhà cổ xuống cấp ở Trường Yên và nhiều địa phương khác. Làng cũng giữ được 9 giếng cổ. Nhiều lão niên bộc bạch, ngày xưa cả xã có tới 99 giếng, đa số giếng là “thiên tạo”, mạch nước ngầm chắt ra từ vỉa tầng đá ong nên trong, mát và sạch.
Ở Yên Trường, nhiều không gian nhà cổ, nhà cũ với tường đá ong được trồng hoa cho leo lên, tạo cảnh sắc tuyệt đẹp. Trong làng, ông Trịnh Nhân Kỳ nổi tiếng bởi nhà ông có một không gian cổ kính nhìn ra ao Ngõ. Ông cũng là tác giả của công trình cổng và tường rào trước nhà bằng cây ô rô tuyệt đẹp mà khách đến đây đều trầm trồ thán phục. Ông Kỳ rất thích chơi cây cảnh. Từ thời thanh niên ông đã mê mẩn những hàng tường rào bằng dâm bụt, ô rô cũng như những gốc cổ thụ. Trước quá trình đô thị hóa, cây xanh trở nên hiếm dần, cổ thụ chỉ còn một vài cây, những chiếc tường cây thì biến mất. Ông ao ước có thể tự tay mình trồng và chăm sóc, tạo nên một hình cổng cây lớn để thỏa tình yêu. Vậy là từ năm 1992, ông bắt tay vào công việc.
Không gian nhà ông Kỳ không rộng. Nếp nhà cổ ông vẫn giữ, trong khu sân gạch kê nhiều chậu cây cảnh các loại và vài lồng chim cảnh. Phía trước là ao làng lớn, một chiếc cổng hình cổng chùa hướng ra đó sẽ tạo ấn tượng mạnh. “Tôi vừa mua, vừa xin cây ô rô về. Đây là loài phải chăm sóc rất khéo thì mới sống và lên đều nhánh. Trải qua 8 năm trồng tỉa, cuối cùng tôi cũng có hàng rào tạm ưng ý. Và để thực hiện ý tưởng làm chiếc cổng mô phỏng cổng chùa, tôi nuôi, uốn cây và tác động tích cực bằng chất hữu cơ để chúng có thể mọc dài theo đúng ý” - ông Kỳ chia sẻ. Vậy là tổng cộng phải mất 10 năm trời ông mới có một chiếc cổng ưng ý. Chính ông cũng không biết mình đã bỏ ra bao nhiêu ngày công, cắt mòn biết bao nhiêu cái kéo để thực hiện tác phẩm. Giờ thì cứ năm ngày ông cắt tỉa một lần, nếu là dịp mưa nhiều. Những tháng nắng hạn thì khoảng 8 ngày. Đến nay, công trình cây tuyệt mỹ của ông Kỳ đã có độ tuổi 30 năm, làm đẹp nhà, đẹp làng và là điểm đến của nhiều khách phương xa.
Quá trình đô thị hóa đã làm mất nhiều cổ thụ làng quê, thì việc làm của ông Kỳ rất ý nghĩa, không chỉ là cách để bảo lưu một giá trị truyền thống, mà còn nhắc nhở mọi người hãy yêu, bảo vệ cây. Ông Kỳ tâm sự: “Khi làm tôi cũng chỉ nghĩ nó bình thường, chỉ tốn công thôi. Sau đó hoàn thiện thì tôi thấy nó giá trị thật. Nó là tài sản chung của mọi người trong làng rồi. Tôi sẽ gìn giữ, bảo vệ. Giờ các con cháu tôi đang chung tay gìn giữ bức tường và cổng cây quý giá đó”.
Những phong tục đẹp
Tôi thật sự phấn chấn bởi người Yên Trường rất mến khách. Khi hỏi về ngày Tết, các cụ già vui mừng chia sẻ về nền nếp quê hương mình. Cụ Trịnh Văn Bích tự hào: “Chúng tôi không chỉ giữ được nếp làng bình dị, rêu phong, mà còn giữ được vẻ đẹp ứng xử. Các tập tục ngày Tết, đón xuân được gìn giữ. Đặc biệt là tục ăn Tết lại vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hằng năm”.
Theo cụ Trịnh Văn Bích, làng Yên Trường và cả xã Trường Yên đều ăn Tết hai lần mỗi năm. Sau khi ăn Tết Nguyên đán (Tết cả) lại hối hả cho cái Tết tháng Giêng với tên gọi là “Tết lại” hay “Tết cùng”. Nguồn gốc của việc tổ chức ăn Tết hai lần là do ngày xưa giặc tràn về làng, cha ông, tổ tiên phải đi lánh nạn và không kịp ăn Tết. Thịt, giò, bánh chưng đã chuẩn bị chưa kịp ăn, người dân liền cho vào túi, thả hết xuống giếng, ao. Giặc rút, cuối tháng Giêng, người dân trở về làng, kéo đồ lên.
Bà Nguyễn Thị Hòa, vợ ông Trịnh Nhân Kỳ, tự hào về truyền thống của làng. Bà bảo, dù Tết truyền thống của dân tộc hay cái Tết của riêng xã nhà thì mỗi người con đều trân quý. Đó là những ngày người dân nô nức đón mừng, nhiều người làm ăn ở xa đều thu xếp trở về đoàn tụ. Một điều nữa, ở nhiều vùng quê, chuyện gói bánh chưng đã trở nên hiếm hoi. Thay vào đó, người ta đi đặt bánh để dùng. “Ở Yên Trường quê tôi, người dân vẫn giữ thói quen gói bánh chưng, như cách gìn giữ ký ức, giữ một vẻ đẹp truyền thống mà ở nhiều nơi những đứa trẻ không còn được cảm nhận nữa” - bà Hòa nhấn mạnh.
Cận Tết về làng Yên Trường, bên những chiếc giếng cổ, người dân múc nước rửa lá dong, vo gạo, đãi đỗ để gói bánh chưng. Vẻ đẹp giản dị và rất xuân ấy, dễ gì tìm được trong cuộc sống hiện đại chảy trôi quá gấp gáp này.
Nguyễn Văn Học