Lào Cai: Sắc mầu chợ Cán Cấu
Để đến được Cán Cấu cũng ngót một ngày đường từ Hà Nội. Dù lên thành phố Lào Cai hay thị trấn Bắc Hà thì đều phải bắt thêm một lần xe khách tuyến địa phương. Đầu xuân, trời vẫn khá lạnh nhưng có hứng thú “phượt” nên chúng tôi thuê xe máy để vi vu qua những cung đường đèo dốc, ngắm đồi núi xanh tươi, thấp thoáng sắc mận trắng, đào hồng. Theo đường ĐT153 nối Bắc Hà với Si Ma Cai, sẽ thấy trước mắt hiện lên một dãy nhà mái lợp tôn và phủ bạt lô nhô, nằm vắt vẻo trên dốc Cán Cư Sử, nơi xe máy xếp hàng dài, người qua lại tấp nập, đó là chợ phiên Cán Cấu. Đây là điểm hẹn mỗi thứ bảy hoặc lễ, Tết của người dân sinh sống ở huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương (Lào Cai) và huyện Xín Mần (Hà Giang).
Chợ họp bên đường nơi lưng chừng núi, thoáng qua thấy tấm váy xòe thổ cẩm của phụ nữ H’Mông Hoa là nổi bật nhất nhưng vào trong chợ mới biết còn có người Nùng, La Chí, Dao và cả người Kinh cũng đến làm ăn, giao lưu. Họ đi từ sớm tinh mơ, cũng bởi ở chợ phiên có khu vực ẩm thực đa dạng và hấp dẫn. Quán nào quán nấy nhỏ xíu, có khi chỉ gồm một chiếc bàn kê dăm tấm ghế, mà chẳng khi nào ngớt khách. Món “đắt” hàng nhất trong buổi sáng sương rét sơn cước chính là phở và thắng cố. Phở ở đây không giống miền xuôi mà đã được biến tấu, nhưng nước dùng thơm ngào ngạt và bánh phở làm từ gạo nương bản địa cũng đáng thử. Cạnh đó là những chảo thắng cố sôi sùng sục, thực khách bao quanh hầu hết là đàn ông với dăm ba chén rượu ngô ngồi với nhau có khi tới tắt mặt trời.
Đặc biệt, chợ phiên Cán Cấu còn có bãi gia súc rộng lớn, nơi người ta mang đến bày bán, trao đổi cả nghìn con trâu, bò, ngựa. Người đi chợ dù mua bán hay không cũng có dịp xem chợ, chơi chợ thỏa thuê. Từ vải vóc, thổ cẩm, tạp hóa, nông sản, nông cụ, thảo dược... cho đến mấy chú chó con đáng yêu hay lồng chim cảnh lạ mắt. Những âm thanh và sắc mầu cứ thế náo nức, lung linh một góc núi rừng, lưu giữ những nét đẹp đặc trưng của vùng cao làm xao lòng bao lữ khách.
Bài & ảnh: Hải Lâm