Hành trang lữ khách

Hà Nội: Chợ đồ xưa Vạn Phúc ngày cuối năm

Cập nhật: 18/01/2022 08:18:15
Số lần đọc: 1268
Chợ đồ xưa Vạn Phúc (Hà Đông) thường họp 6 phiên/tháng vào các ngày mồng 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch, tuy nhiên, vào dịp cuối năm thì ngày nào chợ cũng tấp nập người đến mua bán, trao đổi sản phẩm. Khác với các chợ dân sinh, nhiều người đến đây không hẳn để mua bán mà còn tìm lại ký ức của một thời đã qua, đó dường như cũng là cách để dung dưỡng tâm hồn giữa sự nhộn nhịp của đời sống phố thị.


Nhiều người đến chợ đồ xưa Vạn Phúc (Hà Đông), không hẳn để mua bán mà còn tìm lại ký ức của một thời đã qua.

Không chỉ là nơi buôn bán

Không ồn ào và hối hả như các phiên chợ khác, phiên chợ đồ xưa lặng lẽ hoạt động tại một không gian cổ kính nằm ở làng lụa Vạn Phúc. Đến chợ đồ xưa Vạn Phúc mới thấy ở đây bán bất cứ đồ gì trong thời bao cấp, từ những vật dụng như đồng hồ đeo tay, bình hoa, kính, đĩa... đến những công cụ phục vụ cho việc lao động sản xuất, thậm chí có những bình gốm, các loại tranh tượng, đồng hồ cổ... Mỗi thứ một giá, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, tùy theo độ còn dùng được của sản phẩm. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng người đến chợ có phần thưa thớt hơn nhưng sức mua vẫn rất “nóng” bởi vào thời điểm giáp Tết, thú săn đồ cổ, đồ cũ của nhiều người tăng rõ rệt.

Vốn là người sống hoài niệm nên mặc dù còn trẻ nhưng anh Vi Anh Đức (sinh năm 1995, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hiện sống ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) thường xuyên đến chợ đồ xưa Vạn Phúc để tìm những món đồ yêu thích. Anh Đức cho biết: “Tôi thích đến đây vì nơi này giúp tôi tìm lại được kỷ niệm cũ trong cuộc sống bộn bề của đô thị. Tôi được khám phá những vật dụng mà ông cha đã sử dụng, đó là những giá trị trường tồn theo thời gian, mang một chất riêng về nghệ thuật. Đến đây, tôi có cảm giác gần gũi bởi ngoài được ngắm nhìn những món đồ tôi còn được giao lưu, học hỏi những người có cùng sở thích, tình cảm ấm áp như người thân trong gia đình. Đặc biệt, không giống như những chợ buôn bán khác, ở chợ đồ xưa, khách hàng có thể ngồi ngắm nghía, nâng lên đặt xuống mà không sợ chủ hàng phàn nàn. Người bán từ đầu đến cuối vui vẻ, tận tình giải thích về nguồn gốc, chất liệu, thậm chí còn kể thêm những câu chuyện về các món đồ, nếu khách không mua, người bán vẫn tươi cười”.

Từ nhiều năm nay, nhà thơ, nhà báo Vương Tâm (nguyên Trưởng ban Báo Hànộimới Cuối tuần) được biết đến như một nhà sưu tầm ấm trà cổ và chợ đồ xưa Vạn Phúc là địa điểm ưa thích của ông. Nhà thơ Vương Tâm cho biết, nơi đây toàn những đồ lạ và cũ, cả đồ gốm lẫn sứ, đồng, gỗ. Mỗi món đồ đánh dấu một giai đoạn lịch sử văn hóa nhất định. Có những món đồ thể hiện tay nghề cao của các nghệ nhân xưa. Đặc biệt, hình dáng, màu sắc của các món đồ luôn có nét độc đáo. Kèm theo đó, những món đồ xưa còn nổi bật ở nghệ thuật thư pháp tài hoa. Nhất là những ấm trà, bình rượu, tranh khắc hay hoành phi, câu đối...

“Có thể nói chợ đồ xưa hay đồ cổ ở Thủ đô đã tạo nên một hình thức giao lưu, thương mại văn hóa có nét độc đáo. Chợ không chỉ là nơi buôn bán mà còn là một địa chỉ giao lưu văn hóa lịch sử. Mỗi đồ vật luôn tô đậm dấu ấn về kỹ thuật chế tác và trình độ mỹ thuật ứng dụng qua mỗi giai đoạn phát triển của các triều đại tiếp nối theo những biến động lịch sử”, nhà thơ Vương Tâm nhấn mạnh.

Điểm nhấn về du lịch

Một trong những cửa hàng luôn đông đúc khách nhất ở chợ đồ xưa Vạn Phúc là gian hàng thiết bị nghe nhạc. Tại đây, bất cứ linh kiện cũ của các loại loa, âm ly nào cũng đều có. Bà Nguyễn Kiều Nhi, chủ cửa hàng cho biết, các mặt hàng bày bán ở đây được thu mua từ khắp nơi trong nước, thậm chí là cả “đồ bãi” của Nhật Bản, Hàn Quốc...

Còn bà Đinh Thị Vĩnh, một chủ cửa hàng khác hồ hởi cho biết, mỗi ngày có đến hàng trăm lượt khách tham quan gian hàng của bà. “Chúng tôi bán tất cả các món đồ người dân cần, từ chai đựng rượu đến giày dép, thiết bị điện tử. Mỗi món đồ đều có giá trị riêng, được bán từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng”, bà Vĩnh chia sẻ.

Nói về nhân vật có tiếng tăm trong giới sưu tầm đồ xưa, đồ cổ ở chợ đồ xưa Vạn Phúc phải nhắc đến anh Dũng Trường (tên thật là Nguyễn Văn Cương). Anh Trường chia sẻ quan điểm chơi đồ cổ của mình là thú vui vượt trên vấn đề tiền bạc, giúp người chơi “giàu” về kiến thức, các mối quan hệ khi được giao lưu với những người có cùng sở thích, học hỏi nhiều bài học giá trị từ các bậc tiền bối, các nhà nghiên cứu. Anh khẳng định: “Nếu chỉ đơn thuần sống vì tiền thì có lẽ chả bao giờ người đời có thể làm nên và lưu giữ được những bộ sưu tập cổ vật có giá trị cho cộng đồng”. Đặc biệt, chính giá trị mà mỗi sản phẩm mang lại qua những câu chuyện ẩn sâu trong đó đã giúp anh tìm được ý nghĩa của việc mình đang làm, đó là gìn giữ các giá trị lịch sử, kết nối sợi dây văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, giúp người trẻ có thể hiểu được những gì người xưa để lại.

Cũng theo anh Dũng Trường, khi cuộc sống hiện đại với biết bao chợ dân sinh, các siêu thị lớn, nhỏ “mọc” lên thì việc duy trì một chợ đồ xưa giữa lòng Thủ đô là một nét độc đáo, thú vị với một thành phố ngàn năm tuổi. Chợ đồ xưa Vạn Phúc từ khi ra đời đã tạo ra “điểm nhấn” trong việc thu hút du khách về với làng lụa. “Khi ngắm nhìn những món đồ cổ, đồ cũ, tôi thấy thời gian như chậm lại, con người muốn gắn bó khăng khít, gần gũi, nồng ấm với nhau hơn. Xã hội chúng ta sẽ càng tốt đẹp, nhân văn hơn khi có những con người như vậy”, anh Trường bộc bạch

Ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) cho biết, chợ bán đồ xưa Vạn Phúc tuy mới hình thành khoảng gần chục năm nay nhưng đã trở thành “thương hiệu” khá nổi tiếng với không chỉ người dân Hà Nội mà còn ở các địa phương lân cận. Với rất nhiều món đồ được bày bán, có lẽ nhu cầu mua những vật dụng điện tử còn sử dụng được là lớn hơn cả. Chợ đã tạo công ăn việc làm cho khá nhiều thợ lành nghề.

“Có thể nói, việc mở chợ đồ xưa trên địa bàn phường đã tạo nên nét cổ xưa của làng nghề vốn đã có truyền thống hơn nghìn năm nay bên bờ sông Nhuệ. Cùng với chợ đồ xưa Hoàng Hoa Thám thì chợ đồ xưa Vạn Phúc là địa điểm không thể bỏ qua với du khách sống hoài niệm, thích sưu tầm đồ cổ, đồ cũ. Ngoài phát triển làng nghề lụa, Vạn Phúc còn vinh dự có di tích là nơi Bác Hồ viết lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến (năm 1946) và gần chục năm nay là chợ đồ xưa, tất cả những điều đặc biệt đó đã tạo lợi thế giúp phường phát triển rất mạnh về du lịch”, ông Hải nhấn mạnh.

Tết Nguyên đán đang đến gần, bên cạnh những nồi bánh chưng, câu đối, dưa hành... thì việc sở hữu những món đồ cổ xưa trong ngôi nhà của mình đang là xu thế của nhiều người bởi yếu tố tâm linh, phong thủy... Việc duy trì chợ đồ xưa Vạn Phúc như một gạch nối liên kết giữa quá khứ và hiện tại để người đương thời biết trân trọng những gì đang có và biết nâng niu những gì đã thuộc về quá khứ xa xôi.

Quỳnh Anh

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Cùng chuyên mục