Hoạt động của ngành

Bến Tre: Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Cập nhật: 06/04/2021 09:21:36
Số lần đọc: 648
Thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều hoạt động như: trải nghiệm thực hành nghề truyền thống, truyền dạy đờn ca tài tử, liên hoan âm nhạc truyền thống ở các xã nông thôn mới (NTM), xã bãi ngang ven biển. Việc trải nghiệm văn hóa truyền thống đã giúp phát huy vai trò làm chủ của người dân trong bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Đưa âm nhạc truyền thống đến với trẻ em xã Long Thới.

Đa dạng hoạt động

Một góc xanh ở sân vườn khu du lịch sinh thái Cái Gà (Rooster Mekong), xã Long Thới, huyện Chợ Lách vang dậy các giai điệu dân ca. Đó là hoạt động truyền dạy đờn ca tài tử và liên hoan âm nhạc truyền thống chủ đề “Vui khúc đồng dao” cho trẻ em vùng NTM huyện Chợ Lách. Hoạt động này nhằm cụ thể Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Các em thiếu nhi trong màu áo tươi tắn xanh, đỏ, vàng nhảy múa trong nền nhạc truyền thống. Hình ảnh nhạc cụ dân tộc hòa phối khí mang đến không khí hùng hồn, đôi lúc buồn mênh mang như đưa người nghe trôi về miền quá khứ của lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước. Không dễ tìm thấy không khí văn hóa truyền thống pha tính chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư như thế này tại một vùng quê như Long Thới.

Với mục đích nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân các xã NTM, xã bãi ngang ven biển, ông Nguyễn Hoài Anh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết: Liên tục từ năm 2018 đến nay, trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ cho trẻ em vùng có hoàn cảnh khó khăn ở 8 huyện trong tỉnh như vui chơi, giải trí và tặng quà cho các em tại Du lịch Phú An Khang, Du lịch Lan Vương (TP. Bến Tre).

Năm 2019, tổ chức về nguồn, các trò chơi dân gian và truyền dạy bài bản tài tử cho học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh nhân dịp Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh (1-7) tại huyện Ba Tri. Tổ chức 4 cuộc hoạt động vui chơi, giải trí cho các em học sinh thuộc xã NTM trên địa bàn tỉnh tại Khu du lịch Cồn Phụng. Tổ chức Ngày hội tuổi thơ và Hội thi âm vang làn điệu dân ca tỉnh năm 2019. Khảo sát điền dã thu thập thông tin nghệ nhân nắm giữ diễn xướng dân gian nói thơ Vân Tiên. Hệ thống, biên tập, truyền dạy trực tiếp và quay hình phổ biến trong cộng đồng với 2 lần diễn ra.

Năm 2020, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi và bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian 3 cuộc. Trải nghiệm thực hành nghề truyền thống và về nguồn. Truyền dạy đờn ca tài tử và Liên hoan Âm nhạc truyền thống tại huyện Chợ Lách.

Ngoài ra, trong từng hoạt động chuyên môn thường xuyên, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cũng lồng ghép để hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa cấp xã tại các xã NTM và chưa được công nhận xã NTM.  

Thiếu nhi huyện Chợ Lách vui chơi, giải trí tại Khu du lịch Cái Gà.

Xây dựng thiết chế

Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 13 trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, nâng tổng số hiện có 62 xã văn hóa NTM có trung tâm đạt chuẩn. Xây dựng 47 thiết chế văn hóa - thể thao ấp, nâng tổng số thiết chế văn hóa ấp hiện có 304/968 ấp, khu phố của 157 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hoạt động thiết chế văn hóa ở cơ sở năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Năm qua, nhiều địa phương đã khai thác, phát huy hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở, với nhiều mô hình như: xã hội hóa xây dựng hệ thống đối tác, đồng hành của doanh nghiệp để huy động nguồn tài trợ về tài chính phát triển hoạt động của các xã Mỹ Chánh (Ba Tri), Châu Hưng (Bình Đại), Bình Thành, Lương Phú (Giồng Trôm).

Ngành văn hóa đã phối hợp kết nối hoạt động các câu lạc bộ, đội nhóm sở thích, nhằm tạo sân chơi hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu được thể hiện, trải nghiệm các sân chơi sở thích khác nhau, vừa có thêm nguồn kinh phí bổ sung từ các điểm du lịch sinh thái, các mạnh thường quân để nuôi dưỡng và duy trì hoạt động như: đờn ca tài tử, Bolero, bóng đá, bóng chuyền tại các xã Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre), Phú Túc (Châu Thành), Long Thới (Chợ Lách).

Đồng thời, xã hội hóa nguồn nhân lực bằng việc chủ động quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ, định hướng về chuyên môn của trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng đã phát triển đội ngũ hạt nhân, mạng lưới cộng tác viên làm nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của địa phương như xã Lương Phú (Giồng Trôm), xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). 

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Cùng chuyên mục