Hoạt động của ngành

Bến Tre: Đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch vượt khó

Cập nhật: 09/11/2020 11:17:37
Số lần đọc: 828
Dưới tác động của dịch Covid-19 cũng như ảnh hưởng bởi tình hình thiên tai hạn mặn, ngành du lịch (DL) tỉnh Bến Tre đã chịu nhiều thiệt hại. Doanh thu từ DL 9 tháng năm 2020 ước giảm từ 50 - 60% so với cùng kỳ năm 2019. Với các chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn và sự chủ động của các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh DL đã biến khó khăn thành cơ hội, chuyển đổi hướng phát triển phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên rạch tại một điểm du lịch ở TP. Bến Tre. 

Nỗ lực của doanh nghiệp

Các DN, cơ sở kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn phòng dịch, góp phần hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các đơn vị, điểm đến, cơ sở lưu trú đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cho du khách và nhân viên. Không có khách quốc tế vốn là nguồn đối tượng khách chủ yếu của nhiều điểm homestay, DL cộng đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình hoạt động, ngành DL tỉnh chuyển hướng sang kích cầu DL với khách nội địa.

Trong khoảng thời gian tạm ngừng hoạt động, thực hiện giãn cách xã hội theo quy định và giai đoạn vắng khách, các DN đã tập trung cho công tác chỉnh trang cảnh quan, đầu tư thêm cho điểm đến, cơ sở của mình để phù hợp với thị hiếu của khách nội địa. Nhiều điểm DL xem đây là cơ hội để làm mới mình, cung cấp các sản phẩm mới, sẵn sàng phục vụ khách. Có thể thấy như: Khu DL Cồn Phụng (Châu Thành), một trong các điểm đến tham quan tiêu biểu của tỉnh, trong giai đoạn này đã đầu tư mới 10 phòng nghỉ cho khách, chỉnh trang khuôn viên, bài trí các điểm tham quan, chụp ảnh, trò chơi vận động, khu vực ẩm thực…

Bà Lê Kim Linh - chủ homestay Cồn Bà Tư (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) cho biết, thời gian qua, trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, bên cạnh chỉnh trang, hoàn thiện các điều kiện hạ tầng phục vụ khách theo quy định, homestay Cồn Bà Tư mở thêm hoạt động các gian hàng chợ quê định kỳ cuối tuần để phục vụ khách nội địa. Đối tượng hướng tới là nhóm khách lẻ, khách gia đình tham gia trải nghiệm đời sống tại vùng quê biển.

“Để giữ tương tác với khách, gia đình đã đẩy mạnh thông tin, quảng bá qua các kênh mạng xã hội kết hợp tham gia các hoạt động giao lưu, kết nối DL, bán các nông sản, thủy sản do gia đình nuôi trồng, kinh doanh ẩm thực nhà làm cho du khách qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội. Đây cũng là cách quảng bá hình ảnh DL điểm đến linh động, tạo nét riêng. Trong suốt giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, điểm vẫn nỗ lực duy trì hình ảnh điểm đến một cách chỉn chu, an toàn” - bà Lê Kim Linh cho biết thêm.

Nhà nước quan tâm hỗ trợ

Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Ngọc Dung, trước tình hình dịch bệnh, cơ quan quản lý nhà nước cùng với các sở, ngành và chính quyền địa phương đã triển khai, phổ biến kịp thời các chính sách, chủ trương hỗ trợ DN nói chung, trong đó có DN DL trên các lĩnh vực như: tiền thuê đất, tiền điện, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội... Các chính sách này đã kịp thời hỗ trợ cho DN trong giai đoạn khó khăn nhất. Đặc biệt, ngành DL cũng đang thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh về hỗ trợ vốn cho các khu, điểm kinh doanh DL cộng đồng, homestay trong đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ DL. Đến nay, có 6 homestay đăng ký đã được hướng dẫn thực hiện và nhận được kinh phí hỗ trợ, trong đó có 5 homestay được hỗ trợ 50 triệu đồng/trường hợp và 1 homestay được hỗ trợ 40 triệu đồng.

Gian hàng ẩm thực miền quê tại homestay Cồn Bà Tư.

Với vai trò là Cụm trưởng Cụm liên kết DL phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, ngành DL tỉnh đã chủ động hơn trong thúc đẩy công tác liên kết giữa các địa phương trong cụm. Cơ quan quản lý nhà nước về DL cấp tỉnh và các địa phương chủ động phối hợp với các đoàn famtrip, khảo sát các tuyến điểm DL liên kết của vùng. Trong đó, tuyến DL tham quan khu vực chợ dừa sông Thom được dự báo là điểm sáng mới trong  DL Bến Tre trong thời gian tới.

Sở cũng đã tiến hành rà soát các cơ sở hạ tầng DL trên địa bàn tỉnh để đề xuất và có giải pháp hỗ trợ, mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phục vụ DL cho các đối tượng là hướng dẫn viên DL tại điểm, chuyên viên văn hóa - xã hội địa phương, người dân... Hiệp hội DL tỉnh chia sẻ, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước tăng cường truyền thông quảng bá DL. Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia tập huấn về marketing số để phát triển DL trong bối cảnh mới.

Phát biểu tại chương trình Bàn tròn cà phê doanh nghiệp DL lần 3 năm 2020 vừa qua, Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam nhấn mạnh: Các DN cần chăm chút hơn cho cơ sở mình, tạo được nét riêng của DL trên hình ảnh cây dừa làm nền tảng. Đồng thời, thúc đẩy kết nối các điểm đến trong tỉnh và khu vực, quảng bá DL để phát triển, phát huy cho được chuyển đổi số và thương mại điện tử trong ngành DL. Các ngành phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết, trả lời các kiến nghị, hỗ trợ, tháo gỡ cho DN hoạt động hiệu quả.

Trong tháng 11-2020, dự kiến tỉnh sẽ phối hợp với Trà Vinh tổ chức Roadshow giới thiệu tuyến liên kết du lịch 2 tỉnh trong khuôn khổ sự kiện VITM, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch tổ chức tại Hà Nội. Có trên 10 doanh nghiệp đồng hành cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia, tăng cường công tác truyền thông quảng bá.

Dự kiến trong tháng 12-2020 sẽ diễn ra Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Ẩm thực trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của các tỉnh trong cụm liên kết phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp. Đây sẽ là các sự kiện quan trọng, tạo điều kiện để ngành du lịch tỉnh nhà kích cầu trở lại, phù hợp với tình hình mới.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Cùng chuyên mục