Hoạt động của ngành

Lào Cai: Doanh nghiệp lữ hành loay hoay giữ chân lao động

Cập nhật: 06/11/2020 14:13:41
Số lần đọc: 855
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp mong tiếp cận được các gói hỗ trợ hoặc nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì hoạt động, giữ chân lao động chất lượng cao.

Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Lào Cai bị ảnh hưởng nặng nề do dịch  Covid-19 gây ra. Đợt dịch đầu tiên bùng phát đúng vào thời điểm tết Nguyên đán Canh Tý khiến lượng khách đến Lào Cai sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến ngày 28/4, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt hơn 425 nghìn lượt, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019. Sau hơn 3 tháng phục hồi, đến hết tháng 7, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 1,2 triệu lượt (tăng 2,02 lần so với cuối tháng 4). Tuy nhiên, khi ngành du lịch Lào Cai đang trên đà phục hồi tăng trưởng thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến hoạt động của các công ty lữ hành gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vừa bắt tay vào hoạt động trở lại đã phải tạm ngưng. Thậm chí, các công ty phải cắt giảm nhân sự, cơ cấu lại bộ máy để hoạt động cầm chừng do tỷ lệ khách hủy tour lên đến 70%.

Theo đánh giá của ngành du lịch, lượng khách đến Lào Cai từ đầu năm đến nay là khách nội địa, chủ yếu là khách lẻ tự đi hoặc nhờ dịch vụ đơn lẻ, không ký hợp đồng tour trọn gói. Đối với các trường hợp hủy tour, các công ty lữ hành phải ứng tiền trả lại cho khách trong khi vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, khách sạn thường chỉ cho bảo lưu mà không cho hoàn hủy khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Lào Cai hiện có 38 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch nội địa và quốc tế, với khoảng 1.200 lao động, trong đó có khoảng 400 lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học; hơn 300 lao động làm các vị trí quản lý, marketing, bán hàng, điều hành hướng dẫn du lịch. Đây là đội ngũ lao động mà các công ty bắt buộc phải giữ nếu muốn hoạt động hiệu quả sau phục hồi.

Lo lắng lớn nhất hiện nay của các công ty lữ hành là mất dần nguồn nhân lực chất lượng cao như người quản lý hoặc hướng dẫn viên, nhân viên kinh doanh lâu năm. Nhiều lao động có thể sẽ nghỉ việc hoặc đi tìm công việc khác nếu các doanh nghiệp không trả lương cho họ. Do đó, đến khi hoạt động du lịch phục hồi thì các doanh nghiệp lữ hành sẽ thiếu nhân lực chất lượng, ảnh hưởng đến kinh doanh.

Tại Công ty TNHH MTV Du lịch quốc tế Bình Minh, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ khách hủy tour cao nên đã phải cắt giảm 80% lao động. Do là công ty nhỏ, không có quỹ dự phòng nên công ty phải cơ cấu lại bộ máy, thanh lý bớt tài sản để có tiền lương giữ những lao động chất lượng cao, đặc biệt là vị trí trưởng các bộ phận, nhân viên kinh doanh giỏi. Theo lý giải của công ty, nếu sa thải đội ngũ nhân viên này thì sau khi du lịch phục hồi sẽ không có nhân viên để hoạt động. Công ty cũng mong tiếp cận được những gói hỗ trợ để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Đối với gói hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch, hiện chúng tôi không thể tiếp cận được vì những điều kiện không phù hợp. Các doanh nghiệp cần hỗ trợ trong lúc vẫn còn hoạt động để vượt qua khó khăn, nếu “ngừng hoạt động” mới tiếp cận được vốn hỗ trợ thì điều đó không còn ý nghĩa. Những gói hỗ trợ cần thực tế và nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp” - ông Lê Anh Đại, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch quốc tế Bình Minh cho biết.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Lào Cai, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, do làn sóng kích cầu du lịch với nhiều ưu đãi và thói quen tự đi du lịch của người Việt nên bộ phận lữ hành của công ty đã ngừng hoạt động. Công ty đã phải cắt giảm nhân sự và bố trí chuyển đổi công việc phù hợp để có thể giữ lại những nhân sự nòng cốt, chờ du lịch phục hồi.

Theo nhận định của ông Tuyên, hầu hết công ty lữ hành gặp rất nhiều khó khăn sau khi đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát (cuối tháng 7/2020). Trong khi đó, đặc thù của lao động trong các công ty lữ hành, dịch vụ du lịch là phải qua đào tạo, quan trọng hơn là kinh nghiệm làm việc và các mối quan hệ khách hàng nên buộc các công ty phải giữ lại bộ khung nhân sự nòng cốt. Thậm chí hoạt động lữ hành ngưng trệ, dừng hoạt động thì họ vẫn chấp nhận trả lương để giữ nhân viên. Hiện nay, có nhiều công ty, doanh nghiệp phải vay ngân hàng để trả lương cho nhân viên.

Nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp lữ hành, vì vậy các công ty đang phải nỗ lực giữ lại những lao động nòng cốt. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có quỹ dự phòng thì việc duy trì các chế độ đãi ngộ để giữ lao động chất lượng cao là rất khó. Bởi vậy, cần những chính sách thiết thực như hỗ trợ vốn, giảm thuế, khoanh, giãn nợ để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn, giữ lao động đón “làn sóng” phục hồi du lịch./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục