Biến tiềm năng du lịch thành thế mạnh phát triển kinh tế ở Vân Hồ (Sơn La)
Vân Hồ không kém gì Sa Pa hay Đà Lạt
Vân Hồ là một huyện miền núi mới thành lập, được tách ra từ huyện Mộc Châu vào năm 2013. Hai cửa ngõ của huyện nằm sát hai địa chỉ du lịch nổi tiếng cấp quốc gia là vùng hồ Hoà Bình của tỉnh Hoà Bình và nông trường Mộc Châu của huyện Mộc Châu. Song, trên bản đồ du lịch của Việt Nam, nơi đây vẫn đang là một chấm mờ.
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, phần lớn địa bàn huyện Vân Hồ được hưởng không khí mát mẻ quanh năm với nền nhiệt độ bình quân khoảng 18,5 độ, lượng mưa trung bình bình mỗi năm, khoảng 1.500mm và độ ẩm không khí trung bình là 85%.
Chính nhờ khí hậu dễ chịu này, Vân Hồ thường được ví với những điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng có khí hậu tương đồng như Sa Pa hay Đà Lạt. Nhưng có một điểm khác biệt là không khí ở Vân Hồ sạch và trong lành hơn những nơi kia rất nhiều bởi địa phương này vẫn còn tương đối nguyên sơ, chưa bị ô nhiễm.
Năm 2020, khi miền Bắc phải trải qua một mùa Hè nóng kỷ lục, với mức nhiệt độ lên tới gần 50 độ C, thì ở những xã như Lóng Luông, Vân Hồ vẫn duy trì mức nhiệt mát mẻ khoảng 22 độ C, ban đêm đi ngủ vẫn phải đắp chăn mỏng. Đây thực sự là một sự ưu đãi khí hậu tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Khí hậu mát mẻ và lượng mưa ổn định của Vân Hồ rất thích hợp cho nền sản xuất nông nghiệp đa dạng như cây ăn trái, rau quả, rau gia vị, cây dược liệu hay các thực vật ôn đới. Điều này biến Vân Hồ thành vùng nguyên liệu, cung cấp những sản phẩm nổi tiếng như đào, lê, mận, dâu tây, đặc biệt là chè.
Về mặt địa lý, Vân Hồ chỉ cách thủ đô Hà Nội 170 km về phía Tây Bắc, đường xá đi lại thuận tiện, chỉ mất nhiều nhất 4 giờ đồng hồ chạy xe. Trong tương lai, khi tuyến đường cao tốc Hoà Bình – Mộc Châu được khởi công, hoàn thành và đi vào hoạt động, kết nối với hệ thống đường cao tốc Láng - Hoà Lạc và Hoà Lạc - Hoà Bình, hạ tầng giao thông - vận tải còn được cải thiện hơn nữa.
Ngoài hai điều kiện thuận lợi trên, Vân Hồ còn sở hữu nhiều tiềm năng du lịch nhờ địa hình cảnh quan đa dạng với núi đồi trùng điệp, rừng đặc dụng bảo tồn nhiều nguồn gien động vật, thực vật quý hiếm, suối nước nóng, hang động đá vôi. Những điểm tiềm năng này phân bố rộng trên địa bàn toàn huyện.
Có thể kể ra đây những điểm du lịch cẩm tú, sơn thuỷ hữu tình ở huyện Vân Hồ như khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, rừng Pa Cốp, hồ sông Đà, hang mộ Tạng Mè, suối nước nóng Chiềng Yên, rừng thông Hua Tạt, thác Tạt Nàng, và còn bạt ngàn đồi chè, rừng mận, rừng đào tạo thành cảnh thần tiên kỳ diệu.
Mặt khác, với hơn 90% dân số là người của các dân tộc miền cao như dân tộc Thái, dân tộc Dao, dân tộc H’mông… nơi đây có một nền văn hoá phong phú, nhiều sắc màu, vẫn được bảo tồn và phát triển bền bỉ cho đến ngày nay.
Rõ ràng, huyện Vân Hồ đang sở hữu nhiều tiềm năng to lớn để có thể phát triển ngành du lịch đa dạng, từ du lịch truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp, du lịch khám phá - mạo hiểm cho đến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Những khó khăn trong việc đánh thức du lịch Vân Hồ
Với những đặc điểm lợi thế và tiềm năng kể trên, đáng lẽ Vân Hồ đã phải là một địa phương mạnh về du lịch. Tuy nhiên, người ta vẫn chỉ biết đến Mộc Châu chứ chưa biết nhiều về Vân Hồ, vẫn chỉ đi qua Vân Hồ để đến điểm đích là Mộc Châu. Cũng bởi còn rất nhiều trở ngại, khó khăng đang trói buộc sự phát triển du lịch nơi đây.
Theo ông Nguyễn Huy Anh - Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Vân Hồ - khó khăn lớn nhất chính bởi Vân Hồ là một huyện mới thành lập. Trước đây, huyện Mộc Châu có 27 xã và thị trấn, đến năm 2013, có 14 xã được tách ra để thành lập huyện mới Vân Hồ, và đa phần đều là những xã ở miền cao biên giới và thuộc diện khó khăn.
Bài toán xây dựng hạ tầng của huyện Vân Hồ càng trở nên nan giải bởi từ năm 2013 đến năm 2016, huyện vẫn chưa thu xếp được kinh phí. Đó cũng là thời điểm Chính phủ đưa ra chính sách thắt chặt chi tiêu để đối phó với vấn đề lạm phát. Cho đến đầu giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn để xây dựng trung tâm huyện, cũng như cơ sở hạ tầng cũng chưa được phê duyệt.
Từ những khó khăn khách quan này, huyện Vân Hồ gần như không thể thực hiện công tác quảng bá thế mạnh du lịch, mời gọi các nhà đầu tư. Thêm vào đó, cái bóng của lịch Mộc Châu quá lớn, bao phủ toàn bộ huyện Vân Hồ, càng làm cho con đường phát triển kinh tế bằng du lịch trở nên gập ghềnh.
Ngoài khó khăn lớn nhất này, ông Nguyễn Huy Anh còn chỉ ra rất nhiều trở ngại khác khiến cho du lịch của huyện Vân Hồ chưa thể cất cánh. Đó là vấn đề nhận thức của người dân.
Với truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, vốn được hỗ trợ bởi điều kiện thiên nhiên, khí hậu cho việc chăn nuôi, đa số nhân dân không bị sức ép về thu nhập, hài lòng với hoàn cảnh tự cung tự cấp. Họ rất xa lạ với khái niệm làm dịch vụ, chỉ muốn bám đất, bám rừng để mưu sinh.
Cho dù sống giữa những điểm du lịch phát triển mạnh như lòng hồ Hoà Bình, Mai Châu, và Mộc Châu nhưng người dân trong huyện phần lớn không nghĩ đến chuyện có thể dùng chính mảnh đất đang canh tác nuôi trồng để làm du lịch. Thậm chí, trong những năm trước, tại Vân Hồ đã có một số cá nhân, tập thể bắt đầu đi theo hướng làm du lịch nhưng vẫn chỉ ở mức độ manh mún, không có sức lan toả.
Thêm vào đó, huyện Vân Hồ khi đó vẫn chưa tìm được những người có khả năng đứng mũi chịu sào, đủ tâm, đủ tầm và đủ năng lực tài chính, có kinh nghiệm làm du lịch để có thể làm thay đổi nhận thức của người dân, đồng thời phá bỏ lớp băng đang đóng chặt cánh cửa đón du khách đến với Vân Hồ. Họ cần những nhà đầu tư từ bên ngoài để thay đổi thực trạng này.
Quá trình trải thảm đỏ và những tín hiệu lạc quan
Muốn thu hút được các nhà đầu tư đến Vân Hồ phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, phải tạo được sự quy hoạch phát triển đồng bộ và cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư. Đó là suy nghĩ, trăn trở và quyết tâm của huyện uỷ và chính quyền huyện Vân Hồ.
Vấn đề quy hoạch có yếu tố sống còn được đặt lên hàng đầu. Toàn huyện đã được quy hoạch đồng bộ, xác định rõ khu cơ quan hành chính, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ, khu phát triển sản xuất nông nghiệp, khu chăn nuôi trang trại, khu trồng rừng đặc dụng, khu dành cho phát triển du lịch…
Tất cả đều được giám sát chặt chẽ bằng quy hoạch bởi như lời của ông Nguyễn Huy Anh “Nếu làm sai, làm không đúng, sẽ không có cơ hội sửa chữa”. Quy hoạch của huyện Vân Hồ được thực hiện với tầm nhìn lâu dài, hạn chế điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Huyện cũng đưa ra chủ trương hỗ trợ nhà đầu tư bằng chỉ đạo trực tiếp chứ không phải bằng chính sách cụ thể. Điều này tạo sự linh hoạt và thuận tiện cho các nhà đầu tư, đồng thời cũng đảm quyền lợi cho nhân dân và chính quyền. Đồng thời, huyện sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hướng dẫn thủ tục, giải phóng mắt bằng…
Đến nay, tại huyện Vân Hồ, đã có nhiều nhà đầu tư có năng lực và thực lực đến đầu tư. Có thể kể đến nhà máy chế biến hoa quả của hãng sữa TH Milk dự định sẽ khánh thành vào cuối tháng này. Hay như một công ty 100% vốn Hàn Quốc chế biến rau gia vị hoặc một công ty sản xuất chè Nhật Bản cũng đang hoạt động tại đây.
Song, lãnh đạo huyện Vân Hồ cũng đưa ra chủ trương không hút nhà đầu tư bằng mọi giá, mà phải sàng lọc kỹ càng để chọn ra nhữn nhà đầu tư có khả năng. Huyện cũng tránh tình trạng phát triển nóng hay đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, không để môi trường bị ô nhiễm.
Ở mảng du lịch, hiện đang có 6 nhà đầu tư đang đổ vốn để làm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp. Đây cũng là mong muốn lãnh đạo huyện. Người dân địa phương phải có thu nhập ngay trong nhà của mình, nền sản xuất nông nghiệp của mình và văn hoá, tập quán của dân tộc mình, tham gia sâu vào chuỗi giá trị của dự án.
Giai đoạn 2020- 2025 tới đây, huyện uỷ và chính quyền huyện Vân Hồ cũng xác định nhiệm vụ, mục tiêu gắn phát triển du lịch địa phương dựa trên tiềm năng, lợi thế của của ngành sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh xu hướng du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá - khám phá để hài hoà được lợi ích chung cho sự phát triển bền vững trong tương lai.