Hành trang lữ khách

Bình Định - Non nước hữu tình

Cập nhật: 15/01/2020 09:16:14
Số lần đọc: 874
Với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, ẩm thực độc đáo và phong phú, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) luôn là địa chỉ du lịch tin cậy cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của đất nước.

Nằm trong khu du lịch nổi tiếng Ghềnh Ráng, dốc Mộng Cầm là điểm đến đầu tiên mà du khách có thể ghé thăm khi đến với đất võ Bình Định. Nơi đây có mộ nhà thơ nổi tiếng Hàn Mạc Tử nằm yên bình giữa những thảm cỏ xanh mướt và hàng cau ngút mắt trên đồi Thi Nhân. Đồi Thi Nhân từ lâu đã trở thành điểm đến cho những người yêu thơ Hàn Mạc Tử. Đã đặt chân đến mộ Hàn Mạc Tử xin đừng quên ghé thăm căn lều nhỏ của Dzũ Kha - nghệ nhân nổi tiếng dùng bút lửa viết thơ Hàn Mạc Tử.

Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 25km, Eo Gió là một địa danh du lịch thuộc xã Nhơn Lý mà du khách khi đến với thành phố biển miền Trung này nên một lần ghé thăm. Khu vực Eo Gió rất hoang sơ, ở đây du khách có thể ghé thăm khu làng chài, nghỉ ngơi tại khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC Quy Nhơn.

Tên gọi Eo Gió bắt nguồn từ hình dáng địa lý của khu vực này. Nơi đây là một eo biển, trải qua hàng triệu năm do sóng nước và gió biển bào mòn tạo nên một thung lũng rất nhiều những hòn đá lớn nhỏ hình dáng tròn nhẵn nhụi rất đẹp như những quả trứng. Đứng trên các mỏm đá nhìn xuống bạn sẽ thấy một eo biển nhỏ được che chắn bởi dãy núi như một vòng tay ôm gọn bãi biển tuyệt đẹp nơi đây. Được phát hiện từ khá lâu nhưng Eo Gió chỉ thu hút được những người ưa du lịch mạo hiểm vì cung đường đến đây khá vất vả, du khách phải băng qua đầm Thị Nại hoặc đi ghe máy từ bến Hàm Tử rồi lênh đênh trên biển mới đến được đây. Tuy nhiên, từ ngày cầu Thị Nại được xây dựng, Eo Gió với vẻ đẹp ngỡ ngàng của mình nhanh chóng trở thành điểm tham quan đầy hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Quy Nhơn thu hút lượng khách rất đông đến tham quan mỗi năm.

Đến Quy Nhơn, du khách không nên bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu Thị Nại. Đây là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam cho đến nay. Cầu Thị Nại nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai và được bắc qua con đầm lớn nhất tỉnh Bình Định là đầm Thị Nại, cái tên cầu Thị Nại cũng bắt nguồn từ đó.

Một địa chỉ nổi tiếng cho những du khách yêu thích kiến trúc tháp Chăm khi đến với Quy Nhơn đó là tháp đôi, được xây dựng vào cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12. Tháp đôi là nét đặc biệt trong kiến trúc tháp Chăm, vì người Chămpa không bao giờ xây hai tháp, thường là xây một tháp, ba tháp hoặc rất nhiều tháp để thờ các vị vua. Hiện tại, tháp đôi thờ hai vị thần là Shiva và Vishnu. Người Chămpa khi xây dựng tháp thường xây cổng chính của tháp quay mặt về hướng Đông để khi hành lễ, chiêm bái họ sẽ quay về hướng các vị thần.

Trước đây hệ thống tháp ở đây đều có cửa rất đẹp nhưng khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, họ lấy đi các bức phù điêu trong tháp. Do kích cỡ các bức phù điêu quá lớn nên buộc họ phải phá cửa tháp để đưa ra. Vì vậy, hầu hết cửa ra vào của các tháp Chăm ở Việt Nam đều bị phá.

Ngoài ra, du khách còn có thể ghé thăm tháp Bánh Ít. Đây là ngọn tháp cổ của người Chămpa có hình dáng giống bánh ít. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11 và là một trong những di tích kiến trúc Chăm tiêu biểu nhất hiện còn tồn tại trên đất Bình Định. Người Pháp gọi đây là tháp Bạc. Vừa qua, nhà xuất bản Quintessence của Anh đã xuất bản cuốn sách “1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời”. Sách viết về các công trình kiến trúc đến từ nhiều nơi trên thế giới, từ cổ đại, trung đại đến cận, hiện đại, trong đó dành một trang riêng để giới thiệu về tháp Bánh Ít ở Bình Định, do nhà khảo cổ Stephen Anthony Murphy viết.

Địa chỉ ghé thăm tiếp theo là Bảo tàng Quang Trung, được xây dựng trên nền nhà cũ của anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Với không gian rộng mở, kiến trúc đẹp, khuôn viên rợp bóng cây xanh, đây là địa chỉ lý tưởng cho những ai muốn tìm về với du lịch truyền thống. Tại đây, du khách có thể tham quan cây me cổ thụ, giếng nước xưa, điện thờ, bảo tàng.

Đến Quy Nhơn du khách không thể không nhắc tới võ Bình Định. Nơi đây là cái nôi võ của cả nước, là sự giao thoa của các thế võ phương Bắc, phương Nam, dân tộc Chăm. Bảo tàng Quang Trung là nơi du khách có cơ hội được thưởng thức các màn biểu diễn võ Bình Định. Các hồi trong võ Bình Định gồm xuất quân, xung trận - công thành và ca khúc khải hoàn. Võ Bình Định không có hồi thu quân vì trong cuộc đời cầm quân của Nguyễn Huệ, ông chưa có trận ra quân nào là chiến bại. Trong ba anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Lữ là người sáng tạo ra thế võ “Hùng kê quyền”.

Đến thăm Bình Định, du khách còn có cơ hội tìm hiểu Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá, xã An Lộc, thị xã An Nhơn. Rượu Bàu Đá được chưng cất từ men truyền thống, nước, gạo và nếp nguyên chất, mang đậm hương vị quê nhà. Vì rượu được nấu từ nước của bầu nước lớn trong làng Cù Lâm nên gọi là rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá gồm 3 loại: rượu gạo, rượu nếp và rượu đậu xanh. Rượu gạo được làm từ gạo và được lên men từ loại men truyền thống nên uống không đau đầu; rượu nếp được nấu hoàn toàn bằng gạo nếp; rượu đậu xanh được nấu từ đậu xanh và ở nước ta chỉ duy nhất Bình Định có loại rượu này.

Ngoài ra, khu du lịch Hầm Hô, đồi cát Phương Mai, bãi tắm Kỳ Co... cũng là những điểm đến lý tưởng cho du khách khi về với Quy Nhơn.

Ẩm thực cũng là một trong những thế mạnh thu hút khách du lịch đến với Bình Định với nhiều loại cá, nhất là cá thu, cá nhồng, cá trích, cá mối... Những loại cá này rất ngon, ngọt, là nguyên liệu tuyệt vời để làm món bún chả cá. Món bánh hỏi cháo lòng cũng vô cùng đặc sắc. Ngoài ra còn có bánh hồng với nguyên liệu chính là gạo nếp hay bánh ít lá gai.

Về với Bình Định, về với dải đất tươi đẹp vùng duyên hải Nam Trung Bộ của đất nước để được tận mắt ngắm nhìn phong cảnh tươi đẹp nơi đây, được hòa mình vào cuộc sống của những người dân chân chất, hiền hòa sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với mỗi người. Với ưu thế có bờ biển đẹp, cảnh sắc hoang sơ, ẩm thực phong phú, Bình Định sẽ là một điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước tham quan, thưởng ngoạn./.

Nguồn: vtr.org.vn

Cùng chuyên mục