Non nước Việt Nam

Bình Định: Đặc sắc Lễ hội ăn cốm lúa mới của người Bana Kriêm

Cập nhật: 04/03/2024 10:24:55
Số lần đọc: 672
Lễ hội ăn cốm lúa mới là lễ hội có quy mô lớn và thể hiện đầy đủ sắc màu văn hóa của đồng bào Bana Kriêm ở tỉnh Bình Định, mang tính gắn kết cộng đồng, có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần.  

 Các thiếu nữ lên rẫy ngắt bông lúa mới và mang lúa về làng

Theo phong tục truyền thống, lễ ăn cốm lúa mới của người Bana Kriêm bắt đầu từ tháng 12 năm cũ đến hết tháng 3 dương lịch của năm mới. Bà con cùng đàn hát, đánh cồng, đánh chiêng... Khi nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc bắt đầu cuộc vui rộn ràng. Người Bana Kriêm ở các làng trong trang phục truyền thống không phân biệt già trẻ, lớn bé, ngồi quây quần bên nhau cùng ăn cơm, thưởng thức rượu cần làm từ hạt lúa mới và chúc nhau những điều tốt lành.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh cho biết: “Trong văn hóa của người Bana Kriêm, lễ ăn cốm lúa mới được tổ chức sau mùa gặt hái. Đây là nghi thức mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới lúa thóc đầy nhà, đánh giá lại kết quả một năm lao động. Đây cũng là dịp để mọi người dân trong làng gặp gỡ, chia vui, chúc nhau sức khỏe và cùng hướng đến một năm làm ăn hiệu quả, sung túc hơn”.

Theo Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, nếu như trước đây đến lễ ăn cốm lúa mới, bà con thường tổ chức từng nhà, cùng đàn hát, đánh cồng, đánh chiêng suốt 2 ngày 2 đêm, thì nay ở nhiều làng việc tổ chức lễ ăn cốm lúa mới thường diễn ra trong ngày, ở cùng một địa điểm để cả làng chung vui. Lễ ăn cốm lúa mới dù tổ chức ở quy mô lớn hay nhỏ, nhưng cốm để dâng cúng phải là những hạt lúa mới lấy về từ nương rẫy và được bà con chọn riêng từ trước. Lễ cúng gồm mâm cốm mới, rượu cần, gà và ngọn đèn sáp ong. Sau các nghi thức khấn vái của già làng, đến nghi thức ăn cốm mới. Hạt cốm đầu tiên được đặt trên đầu của già làng hoặc chủ gia đình với ý nghĩa tôn kính các vị thần đã cho con người có cái ăn, cái mặc. Sau đó, cốm được chia cho những người tham dự. Nghi thức cuối cùng là tung cốm với ý nghĩa cầu mong mọi người, mọi nhà được sung túc, no ấm, hạnh phúc.

Chia sẻ về câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội ăn cốm lúa mới của người Bana Kriêm với Văn Hóa, bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở Văn VHTT Bình Định cho biết: “Lễ hội mừng lúa mới của người Bana Kriêm là một lễ hội văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được phát huy trong giai đoạn hiện nay. Việc tái hiện Lễ hội truyền thống ăn cốm lúa mới của đồng bào Bana Kriêm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bana Kriêm nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn không gian văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm của du khách, tạo nguồn tư liệu hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho các nhà khoa học khác có liên quan trong tỉnh. 

Phan Hiếu

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Ngày 04/03/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT