Bình Định: Ðịnh hình sản phẩm du lịch đặc trưng của Quy Nhơn
“City tour” độc đáo chưa được khai thác
Sản phẩm du lịch đặc trưng thường dựa trên tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch, kết hợp với đó là 2 yếu tố quan trọng - nhân lực, cơ sở hạ tầng phục vụ khách. TP Quy Nhơn gần như hội tụ đủ các điều kiện này để định hình sản phẩm du lịch đặc trưng địa phương.
Tuy nhiên, khi nhắc đến Quy Nhơn, du lịch biển vẫn chiếm thế áp đảo trong hoạt động khai thác du lịch của các đơn vị lữ hành. Ông Nguyễn Ngọc Tài, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Quy Nhơn Land, một đơn vị khai thác tour biển, đảo ở Quy Nhơn, chia sẻ: “Du khách ưu tiên khám phá các tour biển, đảo tại Quy Nhơn và lân cận; trong đó các trải nghiệm như lặn ngắm san hô, lướt mô tô nước, thưởng thức hải sản tươi ngon là các yếu tố thu hút khách”. Song một thực tế ít ai để ý là du khách đến Quy Nhơn chủ yếu “check-in” những vùng biển đẹp theo kiểu “đi một lần cho biết” dựa trên yếu tố hoang sơ của biển, hấp dẫn của ẩm thực miền biển. Bởi vậy nếu chỉ dừng lại ở chỗ chỉ khai thác những gì có sẵn, được “trời cho”, du lịch Quy Nhơn sẽ khó thu hút khách trở lại khi yếu tố mới, yếu tố hoang sơ đi qua.
Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị Quy Nhơn” tổ chức tại ĐH Quy Nhơn hồi đầu tháng 4.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng có một gợi mở rất hay về việc phát triển sản phẩm du lịch TP Quy Nhơn dựa trên đặc sản “biển & không gian xanh” trong lòng thành phố. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần quy hoạch phát triển Quy Nhơn hài hòa với việc giữ biển - tài sản chung cho cộng đồng - và giữ không gian xanh với việc xây dựng các tuyến công viên, hoa viên, quảng trường ngay các vị trí “đất vàng”.
Đáng tiếc gần như chưa DN du lịch nào chào bán những đặc sản này. Trong khi đó, Quy Nhơn lại có những điểm khác biệt trong lịch sử, văn hóa mà không nơi nào có được. Ngay giữa lòng thành phố có hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Quy Nhơn như: di tích Tháp Đôi, Đình Cẩm Thượng, Ghềnh Ráng - đồi Thi Nhân; các giá trị văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phục dựng như: hội đánh bài chòi, thi đấu võ cổ truyền… “Đây là một “city tour” đặc sắc không phải nơi nào cùng có được” - bà Lê Thị Thanh Trà, Phó Trưởng khoa Du lịch (Trường CĐ Bình Định), nhận định về tiềm năng du lịch của Quy Nhơn như vậy.
Xây dựng thương hiệu du lịch Quy Nhơn
Việc xây dựng thương hiệu du lịch Quy Nhơn là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Để từng bước hình thành được thương hiệu du lịch, Quy Nhơn rất cần định hình và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên các yếu tố tạo nên bản sắc du lịch Quy Nhơn.
Theo ông Trần Vũ Nguyên, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Hồ Chí Minh (SIHUB), xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cũng như việc xây dựng một start-up, nguyên lý quyết định thành công là tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng, nghĩa là lợi thế không thể sao chép được. Với du lịch Quy Nhơn, sản phẩm du lịch nào không thể sao chép được so với các địa phương khác? Rõ ràng đây là một câu hỏi lớn không chỉ dành cho cơ quan quản lý nhà nước, các DN kinh doanh dịch vụ du lịch, mà còn cho chính quyền cơ sở và các đơn vị có liên quan. Nói như vậy là bởi, phải xác định được đó là gì thì mới tập trung giữ gìn, phát huy và khai thác bền vững.
Chia sẻ về điều này, bà Lê Thị Thanh Trà cho rằng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nên dựa vào thế mạnh, tiềm năng của địa phương; sản phẩm du lịch phải mang bản sắc của Quy Nhơn. Đó là việc gắn các giá trị lịch sử, văn hóa với điều kiện tự nhiên, kết hợp du lịch biển, du lịch lịch sử - văn hóa khéo léo trong các tour, tuyến, để khách có thêm trải nghiệm khi tới Quy Nhơn.
Theo ông Mai Ngọc Tình, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, ngành du lịch thành phố đang phát triển, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Trong 3 tháng đầu năm 2019, Quy Nhơn đón hơn 1 triệu lượt khách, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu du lịch ước đạt 883,5 tỉ đồng, tăng 20,6%. Cùng với sự tăng trưởng về lượng khách, doanh thu, hoạt động đầu tư cho dịch vụ du lịch tăng lên. Tuy nhiên, du lịch Quy Nhơn mới ở giai đoạn đầu, việc định hình, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng rất cần thiết. Theo đó, thành phố ban hành Đề án phát triển du lịch Quy Nhơn giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trong đó chú trọng hạ tầng kết nối đến các điểm du lịch, là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể. Thí điểm phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại một số địa phương vùng biển…/.