Điểm nhấn du lịch thành phố Hà Giang
Thien’s Homestay được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn khi đến thôn Tha (xã Phương Độ).
Tỉ mỉ lưu lại những bức ảnh lý thú tại thôn Tha (xã Phương Độ), anh Hend Rik, du khách đến từ Hà Lan không giấu được sự thích thú: Tôi rất ấn tượng với không gian nơi đây, một làng quê bình dị nhưng vô cùng hấp dẫn. Việc đi bộ khoảng 12 km từ thôn Tha đến khám phá, trải nghiệm 3 thôn vùng cao Lùng Vài – Nà Thác – Khuổi My (xã Phương Độ) rất thú vị; giúp chúng tôi biết đến cuộc sống lao động của đồng bào Dao với cánh rừng Thảo quả, đồi chè Shan tuyết cổ thụ và mãn nhãn trước những cung ruộng bậc thang… Sau một ngày khám phá, trải nghiệm, chúng tôi dừng chân tại Thien’s Homestay (dịch vụ lưu trú tại gia đình anh Nguyễn Văn Thiện) cũng rất ấn tượng. Nhà lưu trú này có kết cấu chủ yếu là tre, trúc, sàn gỗ, mái lá cọ tự nhiên nhưng khu vực vệ sinh hiện đại, hoàn toàn khép kín. Đặc biệt, chủ nhà cũng giúp chúng tôi có bữa ăn đầm ấm với nhiều sản vật địa phương, rất độc đáo…
Những chia sẻ ấn tượng của anh Hend Rik về một làng quê bình dị nhưng vô cùng hấp dẫn cũng chính là cảm nhận chung của nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan 4 Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM theo tuyên bố Panhou tại thành phố Hà Giang. Bởi, để trở thành Làng VHDL tiêu biểu, thôn Tha, Hạ Thành (xã Phương Độ), thôn Lâm Đồng (xã Phương Thiện), thôn Bản Tùy (xã Ngọc Đường) không chỉ đạt các tiêu chí của xã NTM mà còn đáp ứng 10 tiêu chí theo Tuyên bố Panhou được UBND tỉnh đưa ra. 10 tiêu chí này bao trùm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Đồng thời, tạo nên bức tranh du lịch hấp dẫn du khách khi thôn có đời sống kinh tế ổn định, từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan sạch, đẹp; có nghề truyền thống; nhà lưu trú được thiết kế theo kiến trúc truyền thống, đảm bảo phục vụ khách lưu trú khi đến tham quan, nghỉ ngơi; có Hội Nghệ nhân dân gian hoạt động theo quy định; công tác đảm bảo an ninh, trật tự được giữ vững… Đến nay, 4 Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM theo Tuyên bố Panhou của 3 xã ngoại thành của thành phố đã tạo điểm nhấn ấn tượng trên bản đồ du lịch. Theo đánh giá của Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố, các Làng VHDL tiêu biểu đã làm thay đổi tích cực diện mạo khu vực nông thôn. Trong đó, việc bảo tồn cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hóa truyền thống địa phương được khôi phục, gìn giữ và phát huy. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế, thu hút du khách, nâng cao đời sống nhân dân.
Minh chứng cho thấy, năm 2017, Làng VHDL cộng đồng thôn Hạ Thành được UBND tỉnh công nhận Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM đã tạo bước chuyển quan trọng với nhân dân trong thôn. Đến nay, các mô hình phát triển kinh tế, như: Nuôi cá Bỗng, vịt làng, gạo nếp cái; nghề đan lát, làm bún truyền thống, làm bánh chưng gù tiếp tục phát triển. Đặc biệt, toàn thôn đã có 9 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú Homestay đạt tiêu chuẩn theo quy định. Lễ hội Lẩu Then được khôi phục và phát triển. Thôn đã thành lập Đội Nghệ nhân dân gian và Đội Văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả với trên 40 người tham gia, góp phần thu hút du khách. Nếu như năm 2017, lượng khách du lịch tới tham quan, lưu trú tại thôn Hạ Thành đạt 9.600 lượt, tạo doanh thu 2,88 tỷ đồng (tăng 15% so với năm 2016) thì năm 2018, đạt 11.520 lượt, doanh thu 3,45 tỷ đồng (tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2017). Đến nay, trong tổng số 124 hộ của thôn thì số hộ khá, giàu chiếm 28,2% và chỉ còn 4% hộ nghèo, cận nghèo… Đặc biệt, qua hơn 1 năm hoạt động, Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM thôn Hạ Thành đã góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo việc làm cho 359/574 nhân khẩu trực tiếp tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch; đóng góp 62,5% lao động trực tiếp tham gia phát triển KT-XH của xã Phương Độ.
Từ bước đột phá trong phát triển du lịch, Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM theo Tuyên bố Panhou thôn Lâm Đồng hiện có 14 hộ làm dịch vụ lưu trú du lịch cộng đồng, đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Năm 2018, lượng khách du lịch đến thôn đạt 4.600 lượt, doanh thu trên 1,38 tỷ đồng. Qua đó, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 32 triệu đồng/năm, tăng 10% so với năm 2016. Riêng thu nhập của các hộ làm dịch vụ du lịch trung bình đạt 216 triệu đồng/hộ/năm và thu nhập của Đội Văn nghệ dân gian trung bình 35 triệu đồng/người/năm. Tương tự như vậy, tại thôn Bản Tùy, số hộ khá, giàu đã chiếm 51,13%; hộ nghèo, cận nghèo chỉ chiếm 2,39%. Thông qua các dịch vụ du lịch như Homestay, nghề làm bánh chưng gù (với 16 nhóm hộ/50 hộ tham gia); dịch vụ, khu ẩm thực đầm sen, bún vịt làng, chợ quê… đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hàng trăm lao động địa phương. Trên cơ sở đó, giảm áp lực lao động từ nông thôn ra thành thị, góp phần giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí thu nhập.
Những minh chứng điển hình trên cho thấy, việc xây dựng các Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng NTM theo Tuyên bố Panhou của cấp ủy, chính quyền đã tạo bước đột phá để phát triển du lịch, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo làng quê. Đồng thời, tạo điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách, từng bước đưa thành phố Hà Giang trở thành địa chỉ có môi trường sống hấp dẫn nơi địa đầu Tổ quốc…