Hoạt động của ngành

Bình Định: Lấy ''đặc sản'' của đồng bào làm sản phẩm du lịch

Cập nhật: 03/06/2024 16:19:12
Số lần đọc: 480
 Cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân, trong những năm qua Bình Định cũng rất chú trọng đến việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch để tạo sinh kế cho người dân .

Bình Định đang xây dựng, hướng đến các làng nghề truyền thống của đồng bào DTTS thành những địa điểm du lịch cộng đồng

Còn đó nhiều tiềm năng phát triển

Bình Định hiện có 39 DTTS cư trú, nhưng chiếm số lượng nhiều hơn cả là dân tộc Ba Na, H’rê, Chăm H’roi sống ở các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân… Mặc dù chỉ chiếm hơn 2,5% dân số của tỉnh, nhưng các huyện miền núi tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Trong đó, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh được đánh giá “viên ngọc quý” hàng đầu để khai thác du lịch. Nơi đây ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, với những cánh rừng hùng vĩ, sông, suối, thác còn nguyên sơ, chứa đựng những điều kỳ bí như thành đá Tà Kơn, thác Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ - căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn… Đồng bào Ba Na huyện Vĩnh Thạnh còn gìn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như: Lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, các điệu dân vũ, các bài cúng, truyền thuyết, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, đàn T’rưng…

Ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Nhằm thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, huyện đã và đang phối hợp với Sở VHTT Bình Định tổ chức tái hiện để bảo tồn Lễ mừng cốm mới, nghề dệt thổ cẩm của cộng đồng người Ba Na. Ngoài ra, huyện đã mở các lớp tập huấn truyền nghề dạy chỉnh sửa cồng chiêng, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đàn T’rưng… và đang lên kế hoạch làm phim tài liệu về trường ca Hơ mon. Đây là những động thái tích cực để có thể hướng đến việc bảo tồn, cũng như phát huy giá trị văn hóa của bà con DTTS nơi đây.

Bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Đề cập đến những giá trị văn hóa của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch, ông Sô Lan Tài, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vân Canh cho rằng, ngoài việc khôi phục các làng nghề truyền thống của đồng bào, việc khai thác giá trị truyền thống âm nhạc đặc trưng cũng như các lễ hội của cộng đồng DTTS ở địa phương để phát triển du lịch cũng được quan tâm.

Cũng theo ông Sô Lan Tài, không chỉ có cồng chiêng, trống K’toang cũng là một “đặc sản” của Bình Định, cần khai thác để đưa vào các lễ hội nhằm trình diễn để thu hút khách du lịch. “Vấn đề truyền dạy nghề thổ cẩm, biểu diễn cồng chiêng và trống K’toang đang được đẩy mạnh thực hiện, nhất là đối với các bạn trẻ. Đây là thế hệ vừa có thể gìn giữ, vừa phát huy được xa hơn” ông Sô Lan Tài chia sẻ thêm.

Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho hay, nhằm đẩy mạnh thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, hiện nay Sở đang nghiên cứu xây dựng các đề án phát triển du lịch cộng đồng, trong đó hướng đến khai thác tài nguyên du lịch hiện có của các huyện miền núi như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.

Trong khi đó, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: “Trong thời gian qua, Sở đã phối hợp với các huyện trung du và miền núi tìm cách đánh thức các tiềm năng sẵn có này. Sở đã phối hợp cùng địa phương thực hiện tuyên truyền lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào Ba Na để khai thác, xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm đến du lịch tiêu biểu, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng DTTS và miền núi”.

Cụ thể, Sở Du lịch đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án định hướng phát triển Làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp) thành điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; các sản phẩm: Tham quan cảnh quan đồi, đồng ruộng, tham quan hoa Trang rừng - Suối Tà Má, khám phá văn hóa đặc trưng của đồng bào Ba Na tại địa phương...

Cũng theo ông Trần Văn Thanh, để phát huy công tác bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng thì các địa phương cần tăng cường công tác bảo vệ rừng, môi trường cảnh quan, sinh thái, bảo tồn bản sắc văn hóa của từng địa phương, tạo sự độc đáo, nét riêng. Bên cạnh đó, cần xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch cảnh quan suối thác, khám phá rừng tự nhiên… Để làm được như vậy, cần phải quy hoạch, đầu tư cho hệ thống giao thông thuận lợi và có chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực du lịch ở miền núi. 

Phan Hiếu

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 03/06/2024

Cùng chuyên mục