Hoạt động của ngành

Quảng Trị - Mảnh đất biểu tượng cho khát vọng hòa bình

Cập nhật: 02/06/2024 11:16:25
Số lần đọc: 289
(TITC) - Sáng ngày 31/5, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi Họp báo giới thiệu Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”.

Toàn cảnh buổi họp báo (Ảnh: TITC)

Buổi họp báo có sự hiện diện của Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Hoàng Nam.

Đây là lễ hội đầu tiên được tổ chức ở Quảng Trị, cũng là lễ hội đầu tiên của cả nước - một sự kiện tôn vinh giá trị của hoà bình, chuyển tải thông điệp về hoà bình của nhân dân Quảng Trị trong dòng chảy khát vọng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới.

Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối ngày 6/7 tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với chuỗi các hoạt động ý nghĩa, các chương trình nghệ thuật đặc sắc với mong muốn dấu ấn của lễ hội sẽ tạo ra các điểm nhấn cảm xúc “mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị”- mảnh đất đã trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, sự hàn gắn và hồi sinh.

Cùng với hoạt động tri ân, tưởng niệm, chương trình Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, giải trí, thể thao, ẩm thực được tổ chức ở nhiều không gian khác nhau, với nhiều cung bậc khác nhau, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người trẻ.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: TITC)

Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ có các hoạt động chính bao gồm: Ngày hội Đạp xe vì hòa bình (từ ngày 29-30/6), dự kiến có khoảng 1.000 vận động viên phong trào trong nước và quốc tế tham dự; Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khai mạc Lễ hội Vì Hòa bình với chủ đề Kết nối những nhịp cầu (tối ngày 6/7); Lễ hội Văn hóa, ẩm thực Hương vị miền hoa nắng (từ ngày 12-14/7). Ngoài ra, công chúng cũng sẽ được tham dự nhiều chương trình giao lưu âm nhạc đặc biệt xuyên suốt thời gian diễn ra Lễ hội...

Ban Tổ chức cho biết, hiện tại đã mời được 7 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến tham dự lễ hội, trong đó có những nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Một chương trình điểm nhấn khác tại Lễ hội Vì hòa bình là “Ước nguyện hòa bình”, diễn ra vào tối 26/7 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Chương trình sẽ có với các hoạt động như: Lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện… Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình sẽ được cất lên đồng thời với các hoạt động tri ân tại tất cả nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ các Anh hùng liệt sĩ.

Trong khuôn khổ Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ý nghĩa hưởng ứng Lễ hội Vì Hòa bình, đặc biệt là Chương trình nghệ thuật chính luận Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình do Báo Nhân Dân tổ chức diễn ra vào tối 19/7 tại khu vực Kỳ đài bờ Bắc khu di tích đặc biệt Quốc gia đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Giải Chạy Marathon “Hành trình về đất lửa” tỉnh Quảng Trị diễn ra từ ngày 15 - 16/6; Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam; các giải thể thao quốc gia, Hội chợ thương mại quốc tế “Nhịp cầu xuyên Á”…

Tất cả các hoạt động đều được tổ chức vào những ngày cuối tuần, tạo điều kiện cho du khách gần xa có thể về tham dự.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: TITC)

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình. Trải qua những cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình. Bởi vậy, yêu chuộng hòa bình là một trong những truyền thống nổi bật, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của dân tộc ta.

Quảng Trị là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng được xem là “chiến địa”, “trấn biên”, “phên dậu” và ba lần được chọn làm thủ phủ của đất nước.

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, Quảng Trị là nơi gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh. Nhưng hôm nay, nơi đây “đất thiêng đã nở đóa hoa hòa bình”, Quảng Trị đã hồi sinh và vươn mình lớn dậy, khởi sắc trên tro tàn đổ nát của chiến tranh, trong thế giới hòa bình và hội nhập.

“Vì lẽ đó, Quảng Trị là nơi lựa chọn ứng hợp nhất, nơi của những nhịp cầu kết nối, nơi của những điểm chạm sâu thẳm trong lòng người để tổ chức một lễ hội lần đầu tiên tại Việt Nam với quy mô quốc gia, quốc tế - một lễ hội mang thông điệp Hòa bình”, đồng chí Võ Văn Hưng nhấn mạnh.

Các đại biểu dự buổi họp báo (Ảnh: TITC)

Đánh giá cao ý nghĩa của Lễ hội Vì Hòa bình, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Quảng Trị là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, đặc biệt là mảnh đất kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ với dày đặc các di tích lịch sử cách mạng. Việc tổ chức lễ hội thể hiện khát vọng vươn lên và tình yêu hòa bình của đất nước, con người Việt Nam nói chung cũng như con người Quảng Trị nói riêng. Đây là hoạt động ý nghĩa, chứa đựng nhiều thông điệp về giá trị lịch sử, cách mạng, hướng tới hòa bình, tạo tiền đề giúp địa phương thu hút du khách, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của địa phương.

Thứ trưởng mong muốn Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 sẽ là minh chứng sống động cho khát vọng khi Quảng Trị chào đón bạn bè quốc tế, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, đoàn kết và phát triển, biến quá khứ đau thương thành động lực mạnh mẽ cho những bước tiến mới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc tin tưởng, lễ hội sẽ tạo động lực quan trọng để Quảng Trị không chỉ trở thành không gian văn hóa vì hòa bình, địa chỉ đỏ vì hòa bình, nơi hội ngộ bạn bè bốn phương yêu chuộng hòa bình, mà còn góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: TITC)

Nhân dịp này, Ban Tổ chức công bố bộ nhận diện của Lễ hội với hình tượng chủ đạo là chim bồ câu ngậm bông lúa, thể hiện khát vọng hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Ba dải lụa (đỏ, vàng, xanh) hòa quyện, nâng cánh chim bồ câu mang theo khát vọng hòa bình, phát triển hùng cường của Việt Nam vươn ra thế giới.

Hình tượng chủ đạo với logo tỉnh Quảng Trị được thể hiện trên nền trời xanh hòa bình, hình ảnh lá cờ đỏ hiên ngang tung bay trên kỳ đài Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Bên cạnh đó, bộ nhận diện còn có hình ảnh dòng sông, cánh đồng lúa, những mái nhà, cánh đồng điện gió thể hiện sự hồi sinh và phát triển của mảnh đất, con người Quảng Trị...

Bộ nhận diện Lễ hội Vì Hòa bình 2024 (Ảnh: BTC)

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 01/6/2024

Cùng chuyên mục