Hành trang lữ khách

Bình Định: Lên rừng, xuống biển trốn nóng

Cập nhật: 07/06/2021 14:54:23
Số lần đọc: 1070
Thời tiết đang bước vào mùa nắng nóng kéo dài, cộng với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến các tour du lịch phải tạm ngưng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Dù vậy bạn vẫn có thể lựa chọn những địa điểm để dã ngoại thư giãn theo nhóm nhỏ hoặc tự thiết kế cho gia đình một chuyến dạo mát với việc lên rừng, xuống biển trốn nóng, tham quan cảnh đẹp trong tỉnh Bình Định.  


Xuống biển có thể là lựa chọn của nhiều người. Không xa thành phố lắm đâu! Vùng nuôi cá lồng bè trên biển ở Hải Minh Trong, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn là điểm phù hợp với những ai đam mê câu cá. Đến đây, chỉ cần nói với chủ bè một tiếng là bạn có thể ngồi trên bè để buông cần câu cá cả ngày, hoặc nếu không câu cá thì có thể dạo quanh các lồng bè ngắm cảnh, tìm hiểu nghề nuôi cá của ngư dân, chọn mua những con cá mú, cá chẽm, cá hồng, cá dìa tươi rói được vớt lên dưới lồng còn giãy đành đạch để về nhà chế biến những món ăn ngon cho gia đình trong ngày cuối tuần.

Rong chơi qua vùng nuôi cá lồng bè trên biển ở Hải Minh Trong để tìm hiểu nghề của ngư dân, hoặc câu cá trên bè, chọn mua cá tươi vớt lên từ biển.

Quy Nhơn có biển nhưng nếu rời xa thành phố đến nơi khác ngắm biển là một cách thư giãn lành mạnh, đảm bảo các quy định không tập trung đông người trong lúc dịch giã như thế này. Chỉ cần qua cầu Thị Nại, ngắm cảnh ngư dân buông lưới đánh cá, khai thác hàu, phễnh dưới đầm bạn cũng đã thu vào tầm mắt nhiều khung ảnh đẹp. Từ cầu Thị Nại, men theo QL 19 ra thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, rồi đi dọc tuyến ĐT 639 từ đỉnh núi nhìn xuống biển Trung Lương trong xanh, tít tắp xa kia là những cánh quạt gió khổng lồ chầm chậm quay, cứ như vậy dọc cung đường từ Cát Tiến đến cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cảnh làng mạc trù phú, yên ấm khiến lòng người cũng thư thả đi nhiều. Trên cung đường này ta có cảm giác như chỉ cần dừng lại là đã ở giữa thắng cảnh.

Cung đường ĐT 639 chạy từ xã Cát Tiến sang xã Cát Hải uốn lượn quanh núi.

Từ miền biển, ta ngược lên miền núi để về với những con suối, những cánh rừng xanh bạt ngàn chen lẫn đủ sắc hoa dại, vọng vang tiếng chim gọi bầy, líu lo trong nắng. Rời xa sự náo nhiệt của thành phố, tìm về xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn để check-in dòng suối Đá mát lạnh bắt nguồn từ đỉnh núi Hàm Rồng và chảy xuống hồ Long Mỹ. Bên dưới là hồ thủy lợi Long Mỹ mênh mông nước, nhiều đoạn quanh hồ những hàng lau sậy đung đưa theo gió, khung cảnh bình yên đến lạ. Rảo bước vài trăm mét là đến suối Đá, con suối với nhiều gộp đá đẹp, nước chảy róc rách len lỏi qua từng hóc đá. Càng ngược lên thượng nguồn suối, bạn sẽ bắt gặp những đoạn suối cao, có nơi được đá bao quanh tạo thành hồ nước sâu, dòng nước đổ xuống trắng xóa như dải lụa trắng vắt qua lưng chừng mây, càng nhìn càng thấy đẹp.

Hồ Núi Một sở hữu vẻ đẹp sơn thủy hữu tình.

Một điểm đến đẹp và lạ trong mùa nắng, đó là hồ Núi Một. Từ Quy Nhơn theo QL 19 bạn chỉ cần di chuyển hơn 40km đến xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) rồi theo bảng chỉ dẫn rẽ trái vào con đường trải bê tông khoảng 5km thì sẽ thấy hồ Núi Một với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Tầm này hồ còn khá nhiều nước, đứng trên thành bờ đập, phóng tầm mắt nhìn quanh là dãy núi An Trường hùng vĩ chạy ngang ranh giới giữa TX An Nhơn và huyện Vân Canh, không gian khoáng đạt với những rừng cây, dãy núi xa xa nối tiếp nhau chạy nơi cuối trời. Vào sâu phía trong dọc lòng hồ, dưới tán rừng giữa không gian thơ mộng có nhiều chỗ để bạn buông cần câu cá để xua tan bao mệt nhọc, gia đình tụ họp tổ chức bữa tiệc nhẹ giữa rừng…Cũng khung cảnh này, chỉ ít nữa thôi khi mực nước hồ thấp xuống, cả một vùng lòng hồ sẽ thành thảo nguyên mênh mông, khi ấy hồ Núi Một lại bàng bạc trong vẻ đẹp hư ảo./.

Bài, ảnh: Ngọc Nhuận

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục