Tin tức - Sự kiện

Bình Định: Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Cập nhật: 29/03/2021 08:42:46
Số lần đọc: 835
Để phát huy lợi thế, tiềm năng các làng nghề truyền thống, TX An Nhơn đang khuyến khích phát triển sản phẩm địa phương gắn với du lịch. Trong đó, 3 làng nghề là tiện gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu, rèn Tây Phương Danh ở thị trấn Đập Đá và rượu Bàu Đá ở Nhơn Lộc đã và đang được thị xã đầu tư về cơ sở hạ tầng và các hạng mục khác, tạo điều kiện thuận lợi để nơi đây trở thành điểm đến đối với du khách trong thời gian tới.

Làng rèn Tây Phương Danh hiện có 132 hộ tham gia làm nghề với gần 300 lao động, chuyên sản xuất các sản phẩm nông cụ như xẻng, xà beng, cuốc, xe rùa..., hiện đa số các hộ sản xuất đã kết hợp giữa thủ công và máy móc để nâng cao năng suất, đa dạng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng.

Gần đó làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, với 116 hộ sản xuất gồm các mặt hàng như lục bình, bàn, ghế, tượng... hầu hết các công đoạn đều được làm bằng tay với sự tỉ mỉ, khéo léo bởi những người thợ lành nghề. Sản phẩm được bày bán ở nhiều địa phương trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

Thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc lâu nay nổi tiếng với việc sản xuất loại rượu mang thương hiệu Bàu Đá, tổng số hộ của thôn là 39 nhưng có đến 34 hộ sản xuất rượu với các loại: Rượu nếp, rượu gạo và rượu đậu xanh. Ông Lê Văn Thưởng - Chủ tịch Hiệp hội rượu Bàu Đá Bình Định cho biết: Dù trải qua rất nhiều năm nhưng cách làm và hương vị rượu vẫn không thay đổi. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các cơ sở đã thay đổi mẫu mã, chất liệu bình với những kiểu dáng đa dạng, bắt mắt. Gia đình ông cũng là cơ sở đầu tiên đăng ký du lịch hộ gia đình với mong muốn mang đến cho du khách sự trải nghiệm thú vị khi tham gia sản xuất rượu.

Theo UBND TX An Nhơn, trên địa bàn có 21 làng nghề, đây là lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch theo hướng văn hóa và con người của địa phương. Ông Mai Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn cho biết: Trước mắt thị xã sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng ở các làng nghề này, tiếp đó xây dựng các nhà trưng bày sản phẩm để du khách đến tham quan, đồng thời bố trí không gian cho các nghệ nhân trực tiếp làm để du khách xem và hiểu rõ hơn các công đoạn tạo ra sản phẩm.

Để có thể thu hút du khách đến với các làng nghề truyền thống, bên cạnh việc tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, các hộ sản xuất còn phải nâng cao tay nghề để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp thu hút khách.

Sự kết hợp giữa giá trị sản phẩm truyền thống của các làng nghề với du lịch sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, từ đó góp phần phát huy các giá trị tài nguyên du lịch ở địa phương./.

PHAN TUẤN ( thực hiện) 

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT