Bình Liêu (Quảng Ninh): Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ
Hàng hóa chờ thông thương tại Cửa khẩu Hoành Mô.
9 tháng qua, cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; ngành dịch vụ có mức tăng trưởng khá, giá trị sản xuất đạt 496,7 tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch năm, tăng 16,41% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng: Dịch vụ du lịch, doanh thu hơn 18,4 tỷ đồng, đạt 87,68% kế hoạch năm, tăng 33,38% so với cùng kỳ; dịch vụ thương mại tăng trưởng 18,5% trong doanh thu bán lẻ hàng hóa với 168,8 tỷ đồng và tăng 54,28% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu với 59,09 triệu USD. Các lĩnh vực dịch vụ khác như dịch vụ giáo dục đào tạo và dạy nghề, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ thông tin, bưu chính - viễn thông, dịch vụ y tế, tài chính, vận tải, dịch vụ công... đều đạt được kết quả tăng trưởng khả quan.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Thực hiện chủ đề công tác năm 2019 của tỉnh "Nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ", huyện đã ban hành, chỉ đạo triển khai cụ thể. Trong đó, bên cạnh phát triển các loại hình dịch vụ cả về số lượng và chất lượng, huyện đặc biệt chú trọng khai thác và phát huy hiệu quả các ngành dịch vụ mà địa phương có thế mạnh, như dịch vụ kinh tế biên mậu, dịch vụ du lịch, để tạo ra sự phát triển đột phá.
Du khách khám phá, trải nghiệm du lịch dựng trại trên núi Cao Xiêm (xã Lục Hồn).
Trong năm 2019, huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc); tập trung vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn và hạ tầng khu vực thị trấn Bình Liêu, tổng mức đầu tư gần 79 tỷ đồng; quản lý, duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo hoạt động hiệu quả của 100% các tuyến đường giao thông do huyện quản lý.
Các hạ tầng phục vụ cho sự phát triển dịch vụ du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, phục vụ cho định hướng đưa dịch vụ du lịch trở thành một trong những ngành mũi nhọn của huyện. Trên địa bàn huyện hiện có 17 cơ sở lưu trú với 197 phòng; trong đó, có 8 cơ sở với 58 phòng đã được Sở Du lịch thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch.
Huyện tăng cường quản lý chất lượng các dịch vụ du lịch, như homestay, cho thuê lều trại, xe máy, trang phục dân tộc, phục vụ ăn uống... Huyện đang khảo sát, lên phương án lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, điểm check-in, nhà vệ sinh di động... tại các tuyến, điểm du lịch đường biên, cột mốc biên giới, núi Cao Ly - Húc Động. Nhờ đó, 9 tháng qua, Bình Liêu đón gần 64.500 lượt du khách, bằng 89,2% kế hoạch năm, tăng 32,5% so cùng kỳ (khách lưu trú gần 11.500 lượt, tăng 16,4%); doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch hơn 18,4 tỷ đồng, đạt 87,68% kế hoạch năm, tăng 33,38% so cùng kỳ năm trước.
Xác định công tác thu hút và hỗ trợ đầu tư là một trong những “chìa khóa” để thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm, huyện đã có nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số DDCI. Trong đó, công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Huyện tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã hoạt động và đang tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với IPA Quảng Ninh hỗ trợ xúc tiến 7 dự án lớn trên địa bàn: Trung tâm logistics thuộc Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn; chợ Cửa khẩu Hoành Mô và chợ trung tâm Đồng Văn; Khu du lịch Cao Ba Lanh và Khu du lịch Sông Moóc, Khu du lịch sinh thái Cao Ly, Điểm du lịch rừng sở thôn Đồng Long, xã Đồng Tâm; Bến xe khách thị trấn Bình Liêu. Cùng với đó, huyện phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường giới thiệu, cung cấp thông tin, mời gọi các nhà đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào nhiều dự án trên địa bàn huyện.