Tin tức - Sự kiện

Bình Phước: Nhiều cách làm sáng tạo để phát triển du lịch

Cập nhật: 17/06/2021 09:20:03
Số lần đọc: 1033
Tỉnh Bình Phước có bề dày lịch sử truyền thống cách mạng và giàu tiềm năng hệ sinh thái nguyên sinh, sự đa dạng văn hóa. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp khơi dậy tiềm năng, lợi thế hướng tới xây dựng tỉnh Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo.


Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch

Đến tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, chỉ ít phút thao tác trên phần mềm, thiết bị tham quan 3D, chị Đỗ Thị Lụa, ngụ tại quận 1, TP Hồ Chí Minh đã biết được ngay những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bình Phước cùng 11 điểm tham quan hấp dẫn tại khu di tích này. Chị Lụa cho hay: "Phần mềm có lượng thông tin phong phú giúp tôi trải nghiệm thư giãn và xác định được lịch trình tham quan thuận lợi".


Tiết mục văn nghệ giao lưu tại Di tích Quốc gia đặc biệt căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Ứng dụng phần mềm 3D vào du lịch, hơn một tháng qua, Di tích Quốc gia đặc biệt căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Theo bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, đây cũng là một trong nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào du lịch hiệu quả của tỉnh Bình Phước.

Cùng với quan tâm tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, tỉnh Bình Phước đã có cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hướng phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số. Tỉnh đã đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp phát huy sáng kiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào du lịch. Ngành du lịch tiến hành số hóa các dữ liệu về hướng dẫn viên, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, phát triển thiết bị di động cung cấp cho khách hàng về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch... Hiện nay, tỉnh Bình Phước đã hoàn thiện Cổng du lịch thông minh với các chức năng, ứng dụng trên điện thoại di động, cung cấp đầy đủ, sinh động các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch và hỗ trợ du khách xây dựng chương trình, đặt, thanh toán trực tuyến, qua đó quảng bá, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.

Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có diện tích gần 26.000ha. Nơi đây bảo tồn nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, trước đây do giao thông đi lại khó khăn, cơ sở lưu trú, giải trí, dịch vụ hạn chế nên chưa thu hút được du khách. Đây là một trong những điểm “nghẽn” để phát triển du lịch của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nói riêng và Bình Phước nói chung. Khắc phục vấn đề này, tỉnh Bình Phước xây dựng tuyến đường giao thông kết nối Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với các huyện, thành phố và các tỉnh nam Tây Nguyên, đồng thời củng cố cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, du lịch tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Nhờ vậy, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã mở mới 13 điểm đến hấp dẫn du khách với các tour du lịch dã ngoại, khám phá, nghỉ dưỡng... Đến đây, du khách được trải nghiệm, khám phá kỹ năng sinh tồn trong rừng, tìm hiểu sinh trưởng động, thực vật, truyền thống văn hóa đặc sắc của người S’tiêng, M’nông...


Lãnh đạo Tổng cục Chính trị và các đại biểu tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Khơi dậy tiềm năng trong phát triển du lịch, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch cộng đồng... Theo đó, tỉnh tập trung đột phá quy hoạch mạng lưới du lịch, xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ du lịch gắn với quy hoạch, phát triển bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa. Giai đoạn 2016-2020, Bình Phước đã thu hút, huy động được hơn 10.900 tỷ đồng, triển khai 7 dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông, nâng cấp các khu lưu trú, điểm du lịch... Bên cạnh đó, Bình Phước còn chủ động liên kết với các địa phương vùng Đông Nam Bộ xây dựng hạ tầng giao thông và mở các tour du lịch sinh thái, leo núi, khám phá, nghỉ dưỡng, tâm linh, về nguồn...

Điểm nhấn trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng là địa phương huy động người dân cùng tham gia làm du lịch. Địa phương chú trọng thực hiện tốt những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho chính quyền cơ sở và người dân bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa trong lao động, sản xuất, sinh hoạt, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Bình Phước còn đẩy mạnh vận động sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật, thơ, ca, nhạc, ảnh... và tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, thể thao. Nhờ cách làm này, địa phương vừa tạo việc làm tại chỗ cho người dân, vừa bảo tồn, phát huy tốt giá trị truyền thống, văn hóa đồng bào các dân tộc, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Mặc dù tác động của dịch Covid-19 nhưng trong 4 tháng đầu năm 2021, Bình Phước thu hút hơn 400.000 lượt du khách, doanh thu đạt gần 200 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Duy Hiển

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT