Tin tức - Sự kiện

Bình Thuận: Kết nối hạ tầng giao thông, du lịch sẽ phát triển

Cập nhật: 17/06/2021 10:10:23
Số lần đọc: 1992
Dự báo năm 2021 sẽ đầy khó khăn cho ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng khi dịch Covid -19 chưa có dấu hiệu lắng xuống. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, du lịch Bình Thuận được xác định sẽ có bước khởi sắc tươi mới hơn, khi giao thông được kết nối.  


Đồi cát Hòa Thắng - địa danh hấp dẫn du khách. Ảnh: Đình Hòa

1. Du lịch Bình Thuận phát triển nhanh trong hơn 25 năm qua là điều minh chứng rõ nhất, không thể phủ nhận. Từ một vùng đất ven biển hoang sơ chưa được nhiều người biết đến, hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương lân cận chưa đồng bộ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kêu gọi đầu tư. Để có được diện mạo của ngành du lịch như hôm nay, Bình Thuận đã, đang làm hết sức mình để xóa những điểm “nghẽn” mà lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ luôn đau đáu nỗi niềm khi tìm hướng đi riêng cho ngành du lịch tỉnh nhà.

Thôi nhắc đến những điểm “nghẽn” của trước đây nữa vì những ai quan tâm đến sự phát triển của tỉnh đều biết. Chỉ biết rằng, xuất phát điểm của chúng ta chưa thể bằng nhiều tỉnh, thành khác, nhưng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Bình Thuận đã tập trung xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch.

2. Không ít lần du khách đến Bình Thuận từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam từng than vãn giao thông đi lại cách trở, mất thời gian di chuyển dù khoảng cách không xa. Biết được những khó khăn ấy, từ nhiều năm qua tỉnh đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết, các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh, các tuyến đường nội tỉnh; trong đó: Dự án Cảng hàng không Phan Thiết sẽ tạo bước đột phá mới cho du lịch tỉnh nhà, thu hút khách du lịch trong, ngoài nước đến với Bình Thuận. Được biết dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, tỉnh đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư hạng mục hàng không dân dụng sớm hoàn tất thủ tục đầu tư để triển khai dự án.

Đối với các tuyến quốc lộ trên địa bàn: UBND tỉnh đã báo cáo, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 28B, kết nối quốc lộ 1 tại tỉnh Bình Thuận với quốc lộ 20 tại tỉnh Lâm Đồng và tuyến quốc lộ 55 đoạn km52+640 - km97+692 (kết nối đường ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến quốc lộ 1). Các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã lập xong báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 làm cơ sở triển khai thực hiện. Đến nay đã duy tu sửa chữa tuyến quốc lộ 55, quốc lộ 28B kết nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng. Tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh (181,4km), đoạn từ giáp ranh tỉnh Ninh Thuận đến Hàm Thuận Nam được đầu tư nâng cấp, mở rộng (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); còn đoạn Phan Thiết đi Đồng Nai chỉ cải tạo mặt đường. Riêng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh, trong đó có dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã được khởi công và dự kiến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Có thể nói những cách trở của giao thông đối ngoại hiện nay đang dần được khắc phục với sự hỗ trợ của Trung ương và dựa vào nội lực của chính tỉnh Bình Thuận.

3. Trong khi đó các tuyến đường nội tỉnh được tập trung đầu tư mới, nâng cấp; đến nay, đã đầu tư hoàn thành  đưa vào khai thác tuyến đường ven biển đoạn Hòa Thắng - Hòa Phú và đoạn Mũi Né - Phú Hài, tuyến đường Tân Bình - Tân Hải. Đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng đường Lê Duẩn, Hùng Vương, đường từ cầu Hùng Vương đến đường Võ Nguyên Giáp và các trục đường giao thông chính kết nối các khu du lịch của tỉnh. Hoàn thành việc mở rộng đường từ Đá Ông Địa đến Khu du lịch Hoàng Ngọc và đầu tư đoạn tiếp theo từ Khu du lịch Hoàng Ngọc ra Mũi Né. Dự án làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà và nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện, triển khai thi công từ tháng 11/2020; dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Đối với giao thông đường thủy, tỉnh cũng đã tích cực trong việc xã hội hóa đầu tư, mà Cảng vận tải Phan Thiết là một ví dụ. Hiện nay cảng đảm bảo duy trì giao thông thông suốt, ổn định từ TP. Phan Thiết đến huyện đảo Phú Quý với 4 tàu trung cao tốc hoạt động (tàu Hưng Phát 26, Superdong Phu Quy I, Superdong Phu Quy II, cao tốc Phú Quý Express) vận chuyển hành khách, hàng hóa; 2 tàu hàng Quê Hương 2, Phú Quý 07 hoạt động thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân và du khách.

Có thể nói các yếu tố bất lợi của Bình Thuận đang được tỉnh quyết tâm khắc phục trong những năm gần đây, để “mở đường” cho du lịch phát triển trong thời gian tới khi dịch Covid-19 được đẩy lùi./.

Như Nguyễn

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT