Bình Thuận: Du lịch trên “trạm nổi khổng lồ”
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu với cán bộ, nhân dân huyện đảo Phú Quý, nhấn mạnh: Có thể coi Phú Quý là trạm nổi khổng lồ, nơi cung cấp hậu cần nghề cá, cho các tình huống cần thiết của quốc phòng, an ninh; nơi giao lưu giữa đất liền với quần đảo Trường Sa…
Du khách du lịch Phú Quý. Ảnh tư liệu.
Tháng 6/2023 có thể coi là một dấu mốc quan trọng, thúc đẩy sự vươn dậy của Phú Quý. Để “trạm nổi khổng lồ” xứng đáng với vị trí và tầm vóc của nó, ngoài các nhiệm vụ cấp bách và cơ bản lâu dài như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng cơ sở hậu cần nghề cá, hậu cần cung cấp nước ngọt; chú trọng bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước và đất; xây dựng thế trận lòng dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc, cần coi trọng đầu tư phát triển du lịch biển đảo, kết nối với du lịch biển đảo từ đất liền. Du lịch là phát triển văn hóa, văn hóa phục vụ cho du lịch. Du lịch không chỉ phục vụ tốt du khách để hái ra tiền mà còn góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt huyện đảo, đem lại lợi ích – cuộc sống vật chất và tinh thần - cho người dân trên đảo, vốn nhiều thiếu thốn do sống xa đất liền.
Năm 2023 là Năm Du lịch quốc gia “Bình Thuận – Hội tụ xanh”, năm có bước phát triển mạnh mẽ, có mặt vượt bậc của du lịch tỉnh nhà. Nhiều điểm đến ấn tượng; tăng cao số lượng du khách, doanh thu vượt trội; chất lượng sản phẩm du lịch có bước tiến mới; môi trường xanh du lịch cải thiện đáng kể; cung cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, nụ cười thân thiện, mến khách được lan tỏa và đánh giá cao. Những mặt mạnh và thành công của du lịch “Bình Thuận - Hội tụ xanh” năm 2023 cũng chính là mặt mạnh, thành công, bài học cho du lịch huyện đảo Phú Quý – dù cho mức tăng trưởng còn khiêm tốn, so với tiềm năng và thế mạnh. Bãi biển Phú Quý đẹp, dân dã, hoang sơ cũng chính là điều mà du khách hiện đại hướng tới. Họ tới Phú Quý là để tận hưởng biển và nắng gió, được vẫy vùng trên những bãi tắm làm mê hoặc lòng người. Du khách đến Phú Quý là để nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực biển đặc trưng, tươi ngon, tắm mình trong sự trong trẻo của bầu không khí trong lành, ít khói bụi.
Tiến sĩ du lịch Đăng Tuệ từ Hoa Kỳ trở về, trong một lần đến Phú Quý đã cảm nhận: “Du lịch Phú Quý và du lịch Côn Đảo, du lịch Phú Quốc đều có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Phú Quý dễ kết nối với Côn Đảo, trạm trung chuyển với huyện đảo Trường Sa”. Phó Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực khu vực châu Á – Thái Bình Dương Chử Hồng Minh, thành đạt từ Đại học Du lịch danh tiếng tại Thụy Sỹ phân tích: “Tiềm năng du lịch sinh thái Phú Quý còn nhiều dư địa phát triển, nếu đầu tư tốt cho giao thông. Giao thông hiện đại sẽ rất rút ngắn thời gian di chuyển từ đất liền ra đảo, cả về phương diện đường biển, đường hàng không, xây dựng đồng bộ hệ hạ tầng du lịch, khu vui chơi, khách sạn cao cấp, chắc chắn du lịch Phú Quý sẽ là con gà đẻ trứng vàng!”.
Bài toán đặt ra là huy động nguồn vốn đầu tư cho du lịch từ các nhà đầu tư tầm cỡ trong và ngoài nước để phát triển du lịch Phú Quý. Quy chế cho đầu tư phát triển du lịch của Phú Quý, cũng như quy chế đã dành cho Côn Đảo và Phú Quốc, “trạm nổi khổng lồ” về du lịch Phú Quý, tại sao không?
Quốc Toàn