Hoạt động của ngành

Bình Thuận: Đưa lễ hội Katê thành sản phẩm du lịch đặc sắc

Cập nhật: 27/09/2024 15:38:41
Số lần đọc: 478
Tỉnh Bình Thuận hướng đến đưa lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, có sức thu hút nhân dân, du khách trong và ngoài nước.


Katê là lễ hội lớn, có ý nghĩa quan trọng, tác động nhiều mặt đến tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, tình cảm của cộng đồng người Chăm Bàlamôn, diễn ra hàng năm (từ cuối tháng 6 và kéo dài đến giữa tháng 7 Chăm lịch) trong một không gian hết sức rộng lớn theo nghi thức truyền thống; là nơi biểu hiện mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, để mọi người trong cộng đồng hướng về cội nguồn, văn hóa truyền thống, tổ tiên.

Lễ hội Katê là một trong 5 lễ hội đặc sắc của tỉnh Bình Thuận được đưa vào Danh mục các lễ hội tiêu biểu của địa phương cần bảo tồn và phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, ngày 4/4/2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xuất phát từ giá trị và ý nghĩa đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận phục vụ phát triển du lịch” nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội Katê phục vụ sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bảo Trung

Theo Đề án nêu trên, tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh các giải pháp, đó là: Tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng của tỉnh với các cấp chính quyền, cơ quan, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trong công tác quản lý, chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác quản lý và tổ chức Lễ hội.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về ý nghĩa, giá trị và nét đặc sắc của Lễ hội, địa phương cũng sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ cho các hoạt động tu bổ, tôn tạo các đền, tháp và cải tạo môi trường cảnh quan, không gian các đền, tháp, nhà làng - nơi diễn ra Lễ hội đảm bảo xanh, sạch, đẹp.

Các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân, trí thức người Chăm có am hiểu và nắm giữ vốn văn hóa phi vật thể nói chung và lễ hội Katê nói riêng cần quan tâm, chú trọng đến việc thường xuyên trao truyền, hướng dẫn cách thức thực hành các nghi lễ trong lễ hội Katê cho thế hệ trẻ để tạo nên một sự kết nối trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội, tránh nguy cơ bị thất truyền, mai một, biến thể hoặc mất đi trong tương lai. Chú trọng tăng cường việc kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn ngừa, loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, các hình thức thương mại hóa xâm nhập vào Lễ hội,…

Được biết, Bình Thuận là địa phương tập trung nhiều đồng bào Chăm, với hơn 40.000 người sinh sống tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh... Trải qua nhiều thế hệ, cộng đồng người Chăm Bình Thuận đã gắn bó với vùng đất và các dân tộc anh em khác, đồng thời lưu giữ, bảo tồn và phục dựng được nhiều lễ hội rất riêng như: lễ hội Ramưwan, lễ Rija Nưgar, Lễ Chabun, đặc biệt là lễ hội Katê... góp phần tạo thêm bức tranh văn hóa truyền thống của người Chăm mang những sắc thái rất độc đáo, rất phong phú và đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam./.

H.An

Nguồn: Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - bvhttdl.gov.vn - Đăng ngày 26/09/2024

Cùng chuyên mục