Hà Giang: Hồ Thầu phát triển du lịch bền vững
Đến Hồ Thầu những ngày giữa Thu, khi ruộng bậc thang đang độ chuyển màu xanh sang ngả vàng, được đắm mình vào một bức tranh thiên nhiên đầy hùng vĩ, rộng lớn tự thấy mình trở nên nhỏ bé vô cùng. So với những điểm đến khác ở Hà Giang, cái tên Hồ Thầu vẫn còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, gần đây có nhiều du khách về xã để khám phá, trải nghiệm hơn.
Homestay Hồ Thầu Eco Village, điểm đến hấp dẫn du khách.
Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch (DL) của xã, để bảo tồn và phát huy bản sắc VH các dân tộc gắn với phát triển DL cộng đồng, cấp ủy, chính quyền và MTTQ xã Hồ Thầu đã xây dựng nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền và xây dựng đề án để bảo tồn, phát huy bản sắc VH gắn với phát triển DL trên địa bàn. Cụ thể bằng các hoạt động như: Phát huy vai trò của lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn, phát huy các giá trị VH truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu và xây dựng nếp sống văn minh ở cơ sở; quan tâm làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích lịch sử VH, danh lam thắng cảnh; bảo tồn các giá trị VH dân tộc trong đời sống cộng đồng; phát huy giá trị di sản VH tạo thành các sản phẩm DL đặc trưng; nâng cao chất lượng làng VH du lịch tiêu biểu. Tổ chức các lớp truyền dạy VH truyền thống cho thế hệ trẻ về các nội dung như cúng tổ tiên, lễ cấp sắc, nhảy lửa, cúng hồn lúa, cầu may, các làn điệu dân ca.
Xã thu hút cộng đồng tham gia quản lý, chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử VH, danh lam thắng cảnh; phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt VH, văn nghệ, chọn lọc lễ hội xây dựng thành lễ hội tiêu biểu để thu hút khách DL. Phát huy hiệu quả Hội nghệ nhân dân gian, nhóm sở thích, câu lạc bộ sinh hoạt VH; bảo tồn di sản VH, đa dạng hóa các sản phẩm DL. Nâng cao chất lượng DL, nhất là nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm DL tìm hiểu VH - lịch sử; phát triển DL cộng đồng, kết hợp phát huy các làng nghề truyền thống, nét VH độc đáo của các dân tộc thu hút khách DL đến tham quan, trải nghiệm, tăng độ dài lưu trú và mức chi tiêu của du khách, vừa đáp ứng mục tiêu lợi nhuận, vừa giúp du khách tìm hiểu sâu hơn, đa dạng hơn giá trị VH bản sắc của dân tộc…
Du khách chụp ảnh trên đỉnh Chiêu Lầu Thi, xã Hồ Thầu.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân, nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, phát triển, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài địa phương. Nhiều sản phẩm DL VH dân tộc bước đầu được khai thác, tạo sức hút với du khách đến với xã như: Khám phá đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, Di tích ruộng bậc thang, một số lễ hội văn hóa độc đáo được công nhận Di sản VH phi vật thể quốc gia, như lễ “Quỹa Hiéng”, lễ cúng cơm mới, nhảy lửa.
Trong xã hiện có nhiều homestay, như: Hồ Thầu Eco Village, Chán Mủi homestay, homestay Chân Mây Chiêu Lầu Thi, homestay Chú Phú... Tùy nhu cầu mà du khách có thể chọn địa chỉ lưu trú phù hợp để có một hành trình khám phá xã Hồ Thầu trọn vẹn nhất.
Đối với định hướng phát triển DL gắn với bảo tồn các giá trị VH trong thời gian tới, đồng chí Lộc Đức Tơn, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: “Xã sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch, chiến lược phát triển các điểm DL; đẩy mạnh công tác phát triển DL theo hướng nhanh, mạnh, bền vững. Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; đồng thời lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án, các cuộc vận động khác; thu hút, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển DL. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu đặc sắc VH các dân tộc, phát huy vai trò của công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. Chú trọng các hoạt động liên kết, hợp tác trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc VH truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và phát triển DL. Quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác VH, văn nghệ ở cơ sở”.
Bài, ảnh: Nguyễn Yếm