Long An đưa du lịch nhân văn đến gần hơn với giới trẻ
Tạo sức hút riêng
Hơn một năm trở lại đây, Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo - Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Long An trở thành điểm đến học tập ngoại khóa, tham quan của nhiều học sinh cũng như giới trẻ địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu đó, UBND huyện Tân Trụ và Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Long An không ngừng nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị các di tích này, kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.
Các em nhỏ tham quan Đền tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Em Võ Nguyễn Thanh Ngân, học sinh Trường THCS Nhựt Tảo, TP Tân An, tỉnh Long An cho biết hàng năm nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan tại Khu di tích Vàm Nhựt Tảo và sinh hoạt ngoại khóa tại nhiều địa điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn.
"Sau mỗi chuyến du lịch, em cảm thấy rất tự hào về đất nước mình. Chúng em học được rất nhiều. Em mong muốn nhà trường có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động tham quan địa chỉ đỏ để chúng em được tiếp cận, biết nhiều hơn các di tích của địa phương, có thêm thông tin về những chiến tích lịch sử của cha ông".
Các tour du lịch tham quan di tích tại Long An được thiết kế khá phong phú, phù hợp với tiêu chí vừa giáo dục truyền thống, vun bồi tình yêu quê hương đất nước, vừa kết hợp vui chơi, giải trí. Nhờ đó không chỉ thu hút học sinh, sinh viên trong tỉnh mà còn được nhiều du khách ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ quan tâm.
Theo Thiếu tá - Tiến sỹ Cao Thanh Hùng, giảng viên Khoa Lý luận Chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, trường Đại học An ninh nhân dân, trong công tác giảng dạy, để gắn kết lý luận và thực tiễn, nhiều hoạt động về nguồn đã được trường tổ chức. Khu di tích Vàm Nhựt Tảo - Đền thờ Nguyễn Trung Trực là một trong những điểm đến quen thuộc của sinh viên trường.
Những chuyến đi như vậy không chỉ nâng cao chất lượng học tập mà còn bồi đắp thêm truyền thống cách mạng và truyền thống yêu nước cho toàn thể giảng viên, học viên.
"Mong lãnh đạo địa phương quan tâm đầu tư thêm các hiện vật, hình ảnh để tạo sự phong phú. Đặc biệt thời gian kết nối giữa các tour tuyến, các điểm du lịch di tích lịch sử với nhau, khi tham quan địa điểm này người dân thường muốn tới những địa điểm tiếp theo. Tạo được sự kết nối như vậy, du khách sẽ có thời gian lưu trú lâu hơn", Thiếu tá Cao Thanh Hùng kiến nghị.
Trường Đại học An ninh nhân dân thường xuyên chọn các điểm di tích lịch sử tại Long An để tổ chức các hoạt động về nguồn, học tập ngoại khóa
Đưa du lịch nhân văn đến giới trẻ
Long An có nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa như: Khu Di tích Ngã tư Đức Hòa, Khu Di tích Vàm Nhựt Tảo, Nhà Trăm Cột, chùa Phước Lâm, Khu công viên tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Khu di tích Võ Văn Tần, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ…
Cuối năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Long An đẩy mạnh phối hợp thực hiện bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch. Từ việc thúc đẩy hoạt động tham quan du lịch trong giới trẻ và học sinh, sinh viên, lượng du khách đến các điểm di tích đã tăng lên đáng kể.
Bà Phan Thị Dạ Thảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh có 591 trường học các cấp với khoảng 340.000 học sinh. Gắn hoạt động ngoại khóa giáo dục công dân, 2/3 lượng du khách nhí thường xuyên đến các khu di tích lịch sử trên địa bàn.
Du khách tham quan tại điểm các du lịch di tích lịch sử
Việc các trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động du lịch ngoại khóa khiến phụ huynh yên tâm, thu hút được nhiều học sinh tham gia. Từ đầu năm 2024 đến nay, có 216 trường từ cấp tiểu học trở lên tổ chức nhiều buổi tham quan du lịch tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, với trên 67.000 học sinh tham gia.
"Khi tham quan, trải nghiệm thì lồng ghép cho các em tìm về địa chỉ đỏ, di tích lịch sử. Long An có nhiều địa chỉ như: Khu di tích Xứ ủy Nam kỳ, khu di tích xã Bình Thành, Đồn Rạch Cát… Học sinh ngoài việc truyền tải nội dung học tập các em còn được tìm hiểu thêm thông tin các điểm di tích, giá trị của các khu di tích này cũng như khơi dậy tinh thần cách mạng, lòng yêu nước thông qua những câu chuyện từ người thuyết minh khu di tích", bà Phan Thị Dạ Thảo chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Quốc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An kỳ vọng, với 126 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, Long An có tiềm năng lớn về việc phát triển du lịch gắn với các di tích nhằm giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, xây dựng văn hóa, con người.
Đối với mục tiêu của du lịch nhân văn là đẩy mạnh thu hút khách du lịch tại chỗ, để xây dựng hình ảnh "Du lịch Long An an toàn, hấp dẫn", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm đặc thù và bộ nhận diện du lịch được tỉnh công nhận.
Các tour tuyến du lịch kết hợp với hoạt động dã ngoại sinh hoạt văn hóa văn nghệ trên sông nước
Đồng thời ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác, phục vụ khách tham quan đạt hiệu quả cao nhất. Ông Nguyễn Tấn Quốc cho rằng, số lượng du khách du lịch đến Long An ngày càng tăng là minh chứng cho thành công bước đầu.
"Nếu như năm 2022 các điểm đến đón khoảng 150 đoàn với khoảng 14.000 lượt khách, thì đến năm 2023 tăng lên gấp đôi, khoảng 260 đoàn với 40.000 lượt khách. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã có trên 120 đoàn với trên 21.000 ngàn lượt khách tìm đến các điểm di tích lịch sử tại Long An", ông Nguyễn Tấn Quốc thông tin.
Song song với việc trùng tu các di tích lịch sử văn hóa theo hướng khoa học, bảo tồn và phát huy, hiện nay Long An đang tăng cường các biện pháp mời gọi đầu tư theo xu hướng mở ra các cơ sở hạ tầng, dịch vụ để thu hút du khách, không chỉ thuần túy là giáo dục truyền thống cho giới trẻ mà còn tập trung cho mục tiêu phát triển du lịch.
Nguyễn Quang