Để Cao Bằng khởi sắc về bảo tồn, phát huy văn hóa
Những mái nhà sàn lợp ngói âm dương ở bản Khuổi Khon (xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc).
Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 94% dân số toàn tỉnh, Cao Bằng hội tụ đa tầng văn hóa. Các cấp chính quyền đang vận động, hướng dẫn người dân lưu giữ văn hóa bản địa, phục dựng nghề truyền thống và các loại hình nghệ thuật để xây dựng các sản phẩm du lịch tiêu biểu.
Ước mơ thoát nghèo từ nếp nhà truyền thống
Xóm nhỏ Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc là nơi cư trú của 61 hộ dân Lô Lô. Những nếp nhà sàn cổ mái ngói âm dương, trang phục và nghề truyền thống vẫn được bà con lưu giữ rất tốt. Bà con đang khai thác cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa để làm du lịch cộng đồng. Gia đình già làng Chi Viết Hải là một trong năm hộ làm homestay đầu tiên của xóm du lịch cộng đồng Khuổi Khon.
Ông Hải cho biết: Dù làm mới hay cải tạo, nếp nhà sàn của người Lô Lô bao đời nay luôn được giữ nguyên không gian kiến trúc và kiểu dáng. Đây là nét độc đáo, hấp dẫn du khách. Cùng các gia đình ông Pâu Văn Phương, Chi Văn Chiến, Chi Văn Tòng…, chúng tôi được đào tạo các kỹ năng về đón tiếp khách, học cách chế biến, nấu nướng, bày biện món ăn; tham quan, học hỏi một số mô hình làm du lịch cộng đồng ở Lai Châu. Bà con trong xóm thành lập tổ dệt vải, đan lát, đội văn nghệ, xây dựng chương trình, tập luyện các bài hát dân ca và điệu múa của người Lô Lô; phục dựng một số nghi lễ và lễ hội… phục vụ du khách.
Là nhóm dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người, ở Cao Bằng, bà con Lô Lô tập trung ở hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm, với số dân hơn 3.000 người. Quen sống ở núi cao, trên nguồn nước, quần cư và không cởi mở với các nhóm cộng đồng khác, cuộc sống của người Lô Lô vừa khép kín, vừa nghèo. Thu nhập chính từ làm nương rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một số hộ trồng thêm cây hồi, keo. Hiện tỉnh Cao Bằng đang tập trung phục dựng và bảo tồn văn hóa của nhóm dân tộc này. Lồng ghép nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là chương trình 1719), Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Lô Lô giai đoạn 2016-2025… huyện Bảo Lạc đầu tư cơ sở hạ tầng để bà con thuận lợi trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế buồn đang diễn ra ở làng Khuổi Khon. Lên thăm bản, không hẹn trước, chúng tôi chỉ có thể gặp gỡ, trò chuyện với người già, trẻ nhỏ. Bản vắng vẻ bởi bà con đã lên nương, vào rừng. Không có khách lưu trú nên vợ và con gái ông Hải cũng đi phát bờ ruộng. Chăn, đệm quây vào một góc. Bếp núc lạnh tanh. Khung cửi dưới tầng một thành nơi treo đồ. Không thấy bất cứ sản phẩm đan lát thủ công hay dệt thổ cẩm truyền thống. Ông Hải cho biết: Chúng tôi chưa tự tổ chức được các hoạt động đón khách. Nguồn khách phụ thuộc vào các công ty lữ hành đưa đến. Thu nhập từ làm du lịch cộng đồng không đều khiến các hộ gia đình chưa mạnh dạn đầu tư. Về kinh phí hỗ trợ, ông Hải cho biết, ông nhận được 30 triệu đồng để sửa sang nhà cửa. Số tiền này đủ làm nhà vệ sinh mới. Còn những vật dụng khác phục vụ du khách, gia đình phải tự bỏ tiền. Ông cũng muốn trong xóm có thêm vài hộ cùng làm homestay, để tạo không khí sôi động cho du lịch cộng đồng. Nhưng nếu chính sách vẫn như hiện nay, người dân bỏ tiền ra làm trước, chính quyền hỗ trợ sau… thì không làm được.
Được hỗ trợ kinh phí từ Dự án Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng 120 m2 được hoàn thành vào tháng 3/2021, vừa phục vụ sinh hoạt của bà con trong bản, vừa là nơi đội văn nghệ biểu diễn phục vụ các đoàn khách. Nhưng thiếu kinh phí nên một số hạng mục vẫn chưa hoàn thiện. Mái dột vì lợp ngói thưa, nhà vệ sinh không sử dụng được do chưa có nước. Bước vào bên trong, mạng nhện giăng ngang dọc, chằng chịt. Bụi phủ dày trên những hiện vật như trống đồng, tượng người mặc trang phục truyền thống, tranh ảnh treo ngả nghiêng.
Một lý do nữa, cuộc sống hoang sơ mang màu sắc văn hóa riêng của người Lô Lô, những trải nghiệm về du lịch như tham gia làm ruộng, dạo chơi quanh bản, xem biểu diễn dân ca, dân vũ… chỉ phù hợp du khách nước ngoài. Khuổi Khon chưa hấp dẫn khách nội địa. Hạn chế nhất của bản là hạ tầng-cơ sở quan trọng để kết nối du khách, thì đến năm 2020, bản mới bắt đầu có đường bê-tông. Đường nhỏ hẹp, dốc cao nguy hiểm, nhiều đoạn bị bê-tông đã bị sụt lún, nứt vỡ. Người dân phải dùng đất đắp tạm. Do thiếu đường thoát nước nên vào mùa mưa, nước lũ đổ về tạo thành dòng trên mặt đường, kéo theo lượng lớn sỏi, đá.
Thất thường du lịch Hoài Khao
Nằm dưới chân núi Phia Oắc, bản du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình như một không gian bảo tồn văn hóa sống động của người Dao tiền. Trong nhịp sống hiện đại, phụ nữ Dao vẫn giữ gìn trang phục truyền thống nguyện vẹn. Nghề thêu và kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong được truyền dạy cho con, cháu.
Chị Bàn Thị Liên, chủ homestay Khánh Hưng cho biết, thời gian đầu làm du lịch cộng đồng, chị cũng như phần đông bà con trong xóm, bỡ ngỡ chưa biết cách làm. Năm 2019, từ khi bắt đầu chủ trương xây dựng xóm Hoài Khao là điểm du lịch cộng đồng, gia đình chị cùng sáu hộ trong xóm chỉnh trang nhà cửa, di dời chuồng trại, vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa tạo cảnh quan. Các hạng mục điện, đường, viễn thông hình thành. Năm 2022, Hoài Khao được công bố là điểm du lịch cộng đồng và bắt đầu đón khách. Năm 2023, nghi lễ cúng thần ong, thần rừng lần đầu được tổ chức với quy mô lễ hội, tạo ra một không gian văn hóa đặc sắc, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch Hoài Khao.
Khấp khởi là thế, nhưng sau hai năm, khách du lịch đến xóm Hoài Khao thưa thớt dần. Chị Lý Thị Vân, chủ một trong bảy hộ làm homestay ở Hoài Khao, tất tả chạy từ ruộng lúa về, buồn bã nói, không thể chỉ trông chờ vào làm du lịch, bởi tình trạng khách tháng có, tháng không. Cả nhà chị phải làm nương rẫy, đi rừng kiếm sống. Đầy tâm tư, chị Liên nói thêm, tuy được tuyên truyền phát triển điểm du lịch, làm sản phẩm lưu niệm bán cho du khách, nhưng vì ít mẫu mã nên các sản phẩm thổ cẩm chưa bán được nhiều. Ngược lại, cũng do thưa vắng khách nên sản phẩm lưu niệm làm ra không bán được. Dần dần bà con không có động lực làm thêm sản phẩm mới. Được biết, lượng khách đông nhất đến Hoài Khao vào tháng tám, tháng chín hằng năm, khi xã tổ chức lễ hội Hang Ong. Sau lễ hội thu hoạch sáp ong đá, bản lại im ắng như các thôn khác trong vùng. Ngoài những đợt tham dự các hội chợ cùng chính quyền, bản thân người dân cũng chỉ trông chờ vào du khách tự tìm đến hoặc qua các công ty lữ hành. Bà con chưa chủ động tìm cách quảng bá du lịch qua các kênh thông tin, cũng chưa biết cách quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội.
Thực trạng đìu hiu đang diễn ra ở nhiều điểm du lịch cộng đồng phản ánh đúng thực tế của Cao Bằng. Địa hình chia cắt, dân cư phân tán sinh sống quần cư nhỏ lẻ. Lĩnh vực du lịch dịch vụ phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và tài nguyên sẵn có. Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh Cao Bằng Bàn Quý Sơn cho biết: Hiện nay, tỷ lệ là hộ nghèo của tỉnh Cao Bằng chiếm đến 39,93%. Ở một số vùng, bà con có thu nhập từ trồng hồi, quế, sa mộc, trúc; còn các vùng khác gần như không có nguồn thu. Tỉnh triển khai hỗ trợ cung cấp đất ở, đất sản xuất, cây con giống… nhưng quỹ đất có thể canh tác chỉ một năm một vụ, không thể khai phá liên tục. Tạo sinh kế bền vững cho các hộ nghèo vẫn đang là mối lo lớn đối với chính quyền địa phương nơi đây.
Nhiệm kỳ 2020-2025, một trong ba nội dung đột phá của tỉnh là đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía bắc. Trong phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ, tập trung phát triển dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng, tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Bài và ảnh: Khiếu Liên, Mai Hạnh Tuấn