Quảng Nam: Khẩn trương triển khai tiếp dự án phục hồi tháp Nam Khương Mỹ
Cụm tháp Chăm Khương Mỹ
Theo đó, thực hiện văn bản số 926 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Nam để triển khai thực hiện nội dung kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam liên quan đến dự án nói trên, UBND tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) căn cứ kết luận thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại thông báo số 863 (ngày 30.8.2024) khẩn trương triển khai các nội dung, công việc tiếp theo của dự án theo dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai thiết kế cơ sở đã được phê duyệt.
Sớm tổ chức lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công công trình, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.
Trong đó lưu ý phải gia tăng hơn mức độ kết khối của gạch để đảm bảo tính chất cơ lý của gạch phục chế lớn hơn nhiều gạch cổ; đồng thời xây dựng quy trình bảo dưỡng, bảo trì định kỳ bề mặt khối xây hợp lý, phù hợp theo tính chất công trình.
Tổ chức in ấn bản màu tập Báo cáo kết quả khảo sát và xác định nguyên nhân gây nổi muối, rêu mốc tháp Khương Mỹ sau khi trùng tu của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), gửi các Sở, ngành liên quan của tỉnh để nghiên cứu, lưu trữ và thông tin đến các cơ quan, báo chí, người dân khi cần thiết.
Các Sở KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, VHTTDL và các ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo đó, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ (hạng mục phần thân tháp và cửa hướng Đông) đã hoàn thành bàn giao, đảm bảo đầy đủ các quy trình, quy định hiện hành.
Tuy nhiên, sau thời gian hoàn thành trên bề mặt tháp lại xuất hiện hiện tượng nổi muối và mùn bề mặt gạch sau tu bổ. Liên quan đến sự cố này, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng đã tiến hành khảo sát và lấy mẫu phân tích tháp Khương Mỹ đồng thời kiểm tra hồ sơ, tài liệu đã nghiên cứu, khảo sát trước đây và hiện nay về các tháp khác có hiện tượng nổi muối và mùn bề mặt gạch giống tháp Khương Mỹ trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên để tìm nguyên nhân.
Theo Viện Khoa học công nghệ Xây dựng, nguyên nhân xuất hiện các hiện tượng trên ở các tháp là do cơ chế ăn mòn hóa học, trong môi trường tồn tại hai yếu tố SO4-2 và CL.
Hiện tượng này xuất hiện ở tháp Khương Mỹ xảy ra sớm hơn và thấy rõ hơn là do ở gần biển hơn và ảnh hưởng bởi mực nước ngầm kênh thủy lợi của hồ Phú Ninh chạy gần tháp.
Từ đó, đề xuất giải pháp khắc phục làm giảm tốc độ nổi muối và mùn bề mặt gạch sau tu bổ. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện tượng nổi muối và mùn bề mặt gạch sau tu bổ các tháp là hiện tượng khách quan và gần như không thể khắc phục nếu vẫn sử dụng giải pháp gia cường khối xây bằng gạch phục chế.
Từ đó, Ban Quản lý đã có văn bản đề nghị Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích; Viện bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) khẩn trương lập quy trình bảo trì, bảo quản cho dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa.
Đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, địa phương có di tích, các cơ quan truyền thông để thông tin rộng rãi về nguyên nhân xuất hiện hiện tượng nổi muối và mùn bề mặt gạch sau tu bổ.
Đối với dự án bảo tồn, tu bổ phục hồi tháp Nam, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh kiến nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng việc triển khai thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Nam.
Đồng thời giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp khắc phục cơ bản hiện tượng nổi muối, mùn bề mặt gạch. Sau khi có kết quả khoa học chính xác sẽ tiếp tục tổ chức tiến hành tu bổ tại hiện trường.
Tuy nhiên, khả năng tháp có nguy cơ sụp đổ rất cao cho nên việc nghiên cứu phải trong thời gian nhất định. Trường hợp vẫn không tìm được các giải pháp khắc phục cơ bản hiện tượng nổi muối, mùn bề mặt gạch thì tiếp tục thực hiện dự án và xác định các hiện tượng nổi muối, mùn bề mặt gạch là đương nhiên để có cơ sở thông tin rộng rãi với các cơ quan, nhân dân được biết trước khi triển khai dự án trở lại.
Thu Hoài