Ngành du lịch Lào Cai phục hồi mạnh mẽ sau 03 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch
Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ
Nhìn chung, sau 03 năm triển khai Nghị quyết, du lịch Lào Cai đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, xây dựng phát triển được nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn với đặc trưng văn hóa, bản sắc dân tộc; sản phẩm du lịch được đầu tư xây dựng ngày càng phong phú, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Các dự án phục vụ du lịch được đầu tư từ các nguồn vốn ngoài ngân sách góp phần đáp ứng nhu cầu đầu tư tại các vùng trọng điểm du lịch của tỉnh. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và quốc tế được quan tâm, chú trọng với việc đề ra các mục tiêu, giải pháp đồng bộ, mang tính đột phá.
Về kết quả đón khách du lịch, năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 Lào Cai chỉ đón được 1.405.930 lượt khách, giảm 38,9% so với cùng kỳ 2020, đạt 28,1% kế hoạch năm (100% là khách nội địa, không có khách du lịch quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 4.440 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2022, vừa chống dịch vừa phục hồi du lịch, Lào Cai đón được 4.643.000 lượt khách; trong đó có 96.919 lượt khách du lịch quốc tế, 4.545.846 lượt khách nội địa, bằng 116% so với kế hoạch năm, tăng 231,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch đạt 16.380 tỷ đồng, bằng 108% so với kế hoạch năm.
Năm 2023 du lịch phục hồi ấn tượng, tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai đạt 7.261.581 lượt, trong đó có 538.713 lượt khách quốc tế, 6.722.868 lượt khách nội địa, tăng 71% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 22.244 tỷ đồng, tăng 48,9% so với năm 2022.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, tổng số khách du lịch đạt 4.136.719 lượt, trong đó có 431.763 lượt khách quốc tế, 3.704.955 lượt khách nội địa, bằng 48,67% so với kế hoạch năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 13.606 tỷ đồng, bằng 50,02% so với kế hoạch năm, tăng 24,98% so với cùng kỳ năm 2023.
Đây là kết quả quan trọng để Lào Cai phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TU đề ra là đến hết năm 2025 sẽ đón được 10 triệu lượt khách du lịch; đến năm 2030, du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo, quan trọng của địa phương.
Thương hiệu du lịch Lào Cai nổi bật trên trường quốc tế
Trong thời gian vừa qua, du lịch Lào Cai được các cơ quan truyền thông và khách du lịch đánh giá cao: Năm 2021, Tạp chí Mỹ Travel & Leisure Top lựa chọn giới thiệu 10 điểm đến xanh nhất Trái đất, Sa Pa của Việt Nam nổi bật với vị trí số 1. Năm 2023, Sa Pa được tạp chí du lịch quốc tế Condé Nast Traveler bình chọn là một trong 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới; Năm 2024 Sa Pa được lựa chọn trong Top điểm đến Thịnh hành nhất thế giới của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor...
Tăng cường quản lý nhà nước, ban hành chính sách tạo thuận lợi cho du lịch
Để có được kết quả trên và hoàn thành mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025, Lào Cai đã và đang tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện trong cộng đồng dân cư, các đơn vị kinh doanh du lịch và khách du lịch. Đồng thời xây dựng triển khai các quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch như: Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030; Xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040;
Về ban hành cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch, Lào Cai tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025 nhằm mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch cải tạo nhà truyền thống các dân tộc thiểu số để kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) tại các điểm du lịch cộng đồng.
Về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, Sở Du lịch Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch; tăng cường quản lý hoạt động du lịch, khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh; triển khai phương án điều tra thống kê thông tin khách du lịch để làm cơ sở đánh giá về lượng khách, xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác thống kê, dự báo phát triển thị trường du lịch trong thời gian tới.
Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch, trong giai đoạn vừa qua, nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch được triển khai, trong đó có những dự án lớn, quan trọng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của Lào Cai như: Dự án Cảng hàng không Sa Pa; Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa; Dự án đường tránh quốc lộ 4D đoạn qua thị xã Sa Pa (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng); Dự án Cầu biên giới qua sông Hồng tại Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc); Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự án Khu nghỉ dưỡng/khách sạn Lady Hill tại thị xã Sa Pa, hạng 5 sao, 240 phòng (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng)…
Về phát triển, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, giai đoạn năm 2021 - 2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho gần 40.000 người, trong đó có khoảng 12.300 người tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch - dịch vụ.
Hoạt động thông tin tuyên truyền được Lào Cai phối hợp chặt chẽ với 27 cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền thông điệp: “Lào Cai - Điểm đến thiên nhiên, an toàn và khác biệt”. Xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Lào Cai và các ấn phẩm quảng bá du lịch được in ấn, phát hành như sách ảnh “Núi tuyệt đỉnh – Sông đầu nguồn”, bản đồ du lịch Sa Pa; Bắc Hà...
Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch độc đáo
Trong thời gian qua, Lào Cai đã triển khai hiệu quả các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch thông qua Chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Thành phố Hồ Chí Minh; Hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Lai Châu; Chương trình hợp tác với Vùng Nouvelle Aquitane (Cộng hòa Pháp); Chương trình hợp tác với GREAT (Australia); Chương trình hợp tác với Châu Hồng Hà, Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Chương trình hợp tác kích cầu du lịch Đông Bắc - Tây Bắc kết nối Lào Cai với Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh và Vân Nam (Trung Quốc). Đồng thời mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước như: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định… để khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng núi cao cấp kết nối với du lịch biển đảo.
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường quốc tế được Lào Cai đẩy mạnh thông qua các chương trình hợp tác giữa Sở Du lịch tỉnh Lào Cai với Vietnam Airline tại Nhật Bản; Tham gia khảo sát tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Ấn Độ.
Về sản phẩm du lịch, Lào Cai đã xây dựng, phát triển được một số sản phẩm du lịch trở thành “thương hiệu” nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa, Tái hiện Chợ tình Sa Pa, Festival Tinh hoa Tây Bắc - Hương sắc Lào Cai, Đặt biệt là Festival “Tinh hoa Tây Bắc” năm 2022 với chủ đề “Kết nối khát vọng xanh” được tổ chức tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa với chuỗi các hoạt động đặc sắc như Chương trình nghệ thuật kết hợp màn bắn pháo hoa chúc mừng, trải nghiệm sản phẩm du lịch mới - vở diễn thực cảnh “Sa pa lặng lẽ yêu- The Mong Show”. Tổ chức thành công lễ kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa với chủ đề Sa Pa diệu kỳ; ra mắt sản phẩm du lịch văn hóa mới: “Điểm hẹn” và “Vũ điệu dưới trăng” nhằm góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng du lịch, mang lại những trải nghiệm mới, lạ, hấp dẫn cho du khách.
Bên cạnh đó, Lào Cai bước đầu phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng tại huyện Bảo Yên, Bắc Hà, thị xã Sa Pa với 205 sản phẩm OCOP phục vụ khách du lịch có nhu cầu mua sản phẩm đặc trưng/đặc sản của địa phương. Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Sở Công thương và UBND thành phố Lào Cai phát triển kinh tế đêm, hình thành sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn.
Thúc đẩy chuyển đổi số du lịch
Về công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch về phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025. Trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin xúc tiến quảng bá du lịch trên Cổng thông tin du lịch Lào Cai (dulichlaocai.vn), Cổng du lịch thông minh Lào Cai (laocaitourism.vn), trang thông tin du lịch Tây Bắc (dulichtaybac.vn), trang trông tin du lịch dành cho thị trường nước ngoài (sapa-tourism.com), fanpage Du lịch Lào Cai trên mạng xã hội https://facebook.com/visit.laocai, kênh quảng bá du lịch Lào Cai trên zalo OA, kênh video Du lịch Lào Cai trên Youtube và Tiktok; trang du lịch thực tế ảo của Sa Pa (sapa-tourism.vn). Các hoạt động thông tin tư vấn trực tuyến và tư vấn từ xa đã duy trì hiệu quả, có lượng truy cập và theo dõi tăng cao.
Ngày 24/01/2024 vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành danh mục dự án/hoạt động công nghệ thông tin, chuyển đổi số tỉnh Lào Cai, trong đó giao Sở Du lịch Lào Cai triển khai đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, số hóa dữ liệu, điều tra thống kê khách du lịch, tài nguyên du lịch, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch. Trước mắt ưu tiên triển khai hoàn thành số hóa các khu, điểm du lịch, di tích, khu bảo tồn, làng du lịch, sản phẩm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, quảng bá hình ảnh điểm đến qua camera giám sát, tin nhắn chào mừng SMS, nâng cấp hiệu quả hoạt động của cổng thông tin du lịch, lắp đặt wifi miễn phí tại các điểm du lịch…
Trung tâm Thông tin du lịch