Hoạt động của ngành

Hải Dương: Lễ khai hội truyền thống mùa thu Côn Sơn- Kiếp Bạc năm 2024

Cập nhật: 19/09/2024 15:35:12
Số lần đọc: 467
Tối 18.9 (16.8 âm lịch), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương đã tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm 724 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.


Các đại biểu tại Lễ tưởng niệm 724 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024

Dự buổi lễ có  Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Viêng Chăn (CHDCND Lào) Khăm Phăn Sit Thị Đăm Pha; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng; lãnh đạo tỉnh Hải Dương; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Trong diễn văn khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, Hải Dương là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, một trong những cái nôi của nền văn minh sông Hồng. Là vùng địa linh nhân kiệt, phên dậu phía đông bảo vệ kinh thành Thăng Long - Hà Nội, xứ Đông/Hải Dương không chỉ là nơi sinh ra nhiều danh nhân mà còn là nơi thu hút, quy tụ được nhiều nhân tài lỗi lạc khắp bốn phương.

Các đại biểu dâng hương tại đền Kiếp Bạc

Vạn Kiếp là vùng địa quân sự, địa văn hóa, địa kinh tế của Chí Linh, của Hải Dương và cả nước. Với vị thế chiến lược “tiền công, hậu thủ vững chắc”, bằng nhãn quan thiên tài của mình, sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên lần thứ nhất (năm 1285), Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã chọn Vạn Kiếp để tập trung binh lực xây dựng quân doanh, đưa Vạn Kiếp trở thành trung tâm chỉ huy của phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn ra Biển Đông, tạo thế trận đánh giặc Mông Nguyên lần thứ hai (năm 1285) và lần thứ ba (năm 1288).

Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, thuộc dòng dõi tôn thất quý tộc nhà Trần. Ông nổi tiếng là người có dung mạo khôi ngô, thông minh xuất chúng, văn võ song toàn. Là tướng tài, lại biết giữ gìn rường cột nước nhà, nên qua 4 đời vua Trần, ông đều được trọng dụng, để lại tiếng thơm lưu truyền, hậu thế tôn vinh, đời đời kính phụng.

 Dưới tài chỉ huy thao lược của ông, quân dân Đại Việt đã bừng bừng khí thế “Sát Thát”, 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, bảo vệ toàn vẹn bờ cõi. Không chỉ là nhà quân sự thiên tài, Hưng Đạo Vương còn là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc, để lại cho hậu thế những áng thiên cổ hùng văn, những tác phẩm bất hủ như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư...

Năm 1288, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thắng lợi, Hưng Đạo Vương lui về sống tại tư dinh Vạn Kiếp và mất tại đây vào ngày 20.8.1300.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu đọc diễn văn khai hội

Hơn 7 thế kỷ trôi qua, tư tưởng trọng dân, “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”, cùng với tư tưởng về nghệ thuật quân sự, thuật binh pháp, đạo làm tướng, cách dùng người, lòng trung quân ái quốc vì giang sơn, xã tắc của Hưng Đạo Đại vương vẫn mãi mãi là những bài học có giá trị to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần đã trở thành di sản văn hóa phi vật thế độc đáo trong nền văn hóa dân tộc, có sức sống trường tồn, được lưu giữ qua các thế hệ trong tâm thức người Việt.

Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024 diễn ra với thực hành các nghi lễ truyền thống như: Lễ tưởng niệm và khai hội, Lễ khai ấn, Lễ cầu an và hội hoa đăng, Lễ rước, Lễ giỗ Đức Thánh Trần.

Lễ hội mùa thu năm nay diễn ra trong thời điểm 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang đón các đoàn chuyên gia thẩm định, trình UNESCO vinh danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ tưởng niệm 724 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và khai hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc

Với những giá trị đặc sắc tiêu biểu, khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn, Kiếp Bạc và di tích chùa Thanh Mai sẽ góp phần quan trọng để khẳng định, minh chứng tính toàn vẹn và xác thực của quần thể di sản.

Tối cùng ngày tại di tích Kiếp Bạc diễn ra Lễ khai ấn và ban ấn. Đây là nghi lễ cổ truyền ở đền Kiếp Bạc. Theo lệ xưa, cứ vào trước ngày đại kỵ của Đức Thánh Trần, chính quyền sở tại cùng các cụ thủ tử làm lễ đóng ấn vào một tấm lụa màu vàng rồi làm lễ xin phép Ngài, sau đó đem phát cho nhân dân và khách thập phương. Nghi lễ khai ấn đền Kiếp Bạc hiện được tổ chức thường niên trong kỳ lễ hội truyền thống mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân và du khách thập phương...

Trước lễ khai hội đã diễn ra Lễ tưởng niệm 582 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; trao giải cuộc thi hướng dẫn viên du lịch giỏi; khai mạc Tuần văn hóa, Du lịch và Xúc tiến thương mại; trưng bày cổ vật thời Trần.

Ngày 19.9 (17.8 âm lịch), tại di tích Kiếp Bạc tiếp tục diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Tuần văn hóa, Du lịch và Xúc tiến thương mại; trình diễn nghệ thuật múa rối nước; khai mạc và tổ chức Liên hoan diễn xướng hầu Thánh.

Minh Ngọc

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 19/09/2024

Cùng chuyên mục