Hoạt động của ngành

Bình Thuận: Sức bật mới từ Khu du lịch quốc gia Mũi Né

Cập nhật: 23/10/2020 09:50:42
Số lần đọc: 2317
Kỷ niệm 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995 - 24/10/2020), tại TP. Phan Thiết sẽ diễn ra Hội thảo quốc gia “Mô hình quản lý khu du lịch quốc gia” do Tổng cục Du lịch tổ chức. Ðây là cơ hội để Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Mũi Né tạo sức bật mới cho ngành du lịch Bình Thuận phát triển.

Khu du lịch quốc gia Mũi Né

Theo quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018, KDLQG Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, TP. Phan Thiết; có diện tích khoảng 14.760 ha, trong đó diện tích vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch là khoảng 1.000 ha. Hàng năm, KDLQG Mũi Né đón từ 75 - 80% trên tổng lượt khách nội địa và 90 - 95% trên tổng lượt khách quốc tế đến Bình Thuận; tổng thu từ du lịch năm 2019 đạt 12.160 tỷ đồng, chiếm 80% tổng thu du lịch toàn tỉnh.

KDLQG Mũi Né được quy hoạch theo 3 phân khu, gồm phân khu du lịch (KDL) biển cao cấp Bắc Bình có diện tích khoảng 500 ha, phân KDL biển Mũi Né có diện tích khoảng 340 ha, phân KDL chuyên đề - Du lịch cát có diện tích khoảng 100 ha. Ngoài 3 phân khu chính còn có 4 trung tâm dịch vụ gắn với các khu vực phát triển đô thị theo định hướng phát triển đô thị của Bình Thuận, có chức năng cung cấp các dịch vụ, sản phẩm bổ trợ và hậu cần cho KDLQG Mũi Né. Hiện có 195 dự án với tổng diện tích 2.585,5 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là 28.582 tỷ đồng, trong đó có 112 dự án đang hoạt động. Gần đây, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính như Tập đoàn FLC, TMS, Dubai Việt Nam, TTC, Novaland…

KDLQG Mũi Né hiện có 429 cơ sở lưu trú với 13.946 buồng, chiếm 90,5% số cơ sở lưu trú của tỉnh, trong đó khách sạn 5 sao (2 cơ sở), 4 sao (23 cơ sở), 3 sao (15 cơ sở), 2 sao (16 cơ sở), 1 sao (14 cơ sở). Các dịch vụ nhà hàng ăn uống khá phong phú với khoảng 300 cơ sở, hầu hết các khách sạn, KDL, nhà khách đều có nhà hàng, cơ sở ăn uống với chất lượng từ cao cấp đến bình dân. Khách quốc tế đến với Mũi Né gần đây chủ yếu là Nga, Trung Quốc, ASEAN, Bắc Âu, thời gian đến từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Trong số đó, phần đông là khách du lịch trẻ có sở thích nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch dã ngoại, mạo hiểm. Khách nội địa chiếm tỷ lệ lớn, chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, tập trung vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết… thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày.

Mũi Né đã trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế, là “thủ đô resort” của Việt Nam, là nơi dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua của du khách. Với khí hậu, thời tiết gió và nắng nhiều, ít mưa bão, tạo điều kiện rất tốt với các môn thể thao biển được du khách yêu thích như lướt ván buồm, lướt ván diều… Ngoài loại hình chủ yếu là nghỉ dưỡng và thể thao biển, du khách đến Mũi Né còn trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch MICE, du lịch tâm linh. 

Sức bật từ Khu du lịch quốc gia

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, KDLQG Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo sức bật mới cho ngành du lịch phát triển, Bình Thuận sẽ cải thiện môi trường đầu tư; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế, chính sách theo hướng thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn quản lý du lịch chuyên nghiệp; đầu tư các dự án du lịch mang tính đặc trưng, những tổ hợp du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao biển có quy mô lớn, chất lượng cao. Tỉnh sẽ cơ cấu lại ngành du lịch dựa theo 6 nhóm như: xác định thị trường, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu nguồn nhân lực, cơ cấu hệ thống doanh nghiệp, cơ cấu nguồn lực tài nguyên du lịch, cơ cấu hệ thống quản lý sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng có lựa chọn, mang tính chuyên nghiệp trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội, truyền thông trong và ngoài nước. Xây dựng chiến lược marketing trên phạm vi toàn cầu tạo hình ảnh tích cực về Bình Thuận. Nghiên cứu thành lập 1 Trung tâm Marketing và 1 Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ chất lượng cao.

Bên cạnh triển khai các dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, nâng cấp quốc lộ 28B, quốc lộ 55, đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết, Bình Thuận sẽ chủ động, tích cực tìm kiếm và huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến đường nối vào KDL quốc gia…

Với sản phẩm du lịch, sẽ phát triển mở rộng địa bàn trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch lợi thế của từng địa phương trong tỉnh, hướng dẫn các cơ sở lưu trú, lữ hành, kinh doanh dịch vụ thực hiện tái đầu tư đổi mới trang thiết bị, nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác, liên kết về du lịch giữa các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng là yếu tố quan trọng để khai thác hợp lý nguồn tài nguyên du lịch. Cùng với chương trình hợp tác tam giác phát triển du lịch “TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng - Bình Thuận” là các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Bình Thuận với Bà Rịa - Vũng Tàu và với Bình Phước đã và đang phát huy được thế mạnh của từng địa phương, hình thành được chuỗi các sản phẩm du lịch đa dạng thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Ngày 24/8/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký quyết định công nhận Mũi Né là KDLQG. Cùng với mô hình quản lý KDLQG phù hợp, hiệu quả và những giải pháp thiết thực của địa phương sẽ là những thuận lợi để phát triển KDLQG Mũi Né, từ đó tạo sức bật mới cho ngành du lịch Bình Thuận trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.

Các hoạt động kỷ niệm 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận

- Hội thảo “Mô hình quản lý Khu du lịch quốc gia”, sáng 24/10/2020 tại Pandanus Resort, số 3 Nguyễn Hữu Thọ, Mũi Né, Phan Thiết.

 - Lễ công bố Quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né; Tôn vinh các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực du lịch, tối 24/10/2020 tại Pandanus Resort, số 3 Nguyễn Hữu Thọ, Mũi Né, Phan Thiết.

- Giải Golf Bình Thuận mở rộng, ngày 24/10/2020 tại Sân Golf Sea Links Phan Thiết.

- Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận, tối 24/10/2020 tại Công viên Đồi Dương - Phan Thiết.

- Lễ hội Katê năm 2020, ngày 15 - 16/10/2020 tại tháp Pô Sah Inư - Phan Thiết.

- Lễ hội Dinh Thầy Thím 2020, từ 30/10 - 1/11/2020 tại thị xã La Gi.

- Các hoạt động thể dục thể thao như: Giải vô địch Bóng chuyền  Bình Thuận (8 - 11/10 tại huyện Hàm Thuận Nam). Giải vô địch Bóng chuyền bãi biển CLB mở rộng (18 - 20/10 tại Công viên biển Đồi Dương - Phan Thiết). Giải Bóng chuyền hơi nam, nữ (21 - 23/10 tại TP. Phan Thiết). Hành trình xe đạp “Hội tụ 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận”, sáng 24/10 tại thành phố  Phan Thiết.

 

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục