Phú Thọ tạo đòn bẩy nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển
Màn tái hiện Vua Hùng dạy dân cấy lúa. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Tỉnh Phú Thọ đã phát huy tiềm năng, thế mạnh đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, then chốt trong mục tiêu phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, tạo được ấn tượng đẹp với du khách trong và ngoài nước mỗi khi về với đất Tổ cội nguồn.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Nằm dọc theo tả ngạn sông Đà, đối diện là dãy Ba Vì quanh năm mây trắng bao phủ mênh mang huyền thoại Tản Viên Sơn Thánh, cùng với rất nhiều tiềm năng lợi thế về thiên nhiên, con người cũng như các giá trị về văn hóa, đặc biệt là nguồn nước khoáng nóng quý giá, đã tạo cho huyện Thanh Thủy những nét độc đáo riêng.
Phát huy những giá trị, tiềm năng vốn có, nhiệm kỳ 2015-2020 huyện Thanh Thủy xác định du lịch-dịch vụ là một trong ba khâu đột phá quan trọng để triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch nhằm gìn giữ, phục dựng, nâng lên tầm cao mới gắn với phát triển kinh tế-xã hội địa phương với trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ.
Với những biện pháp cụ thể, việc làm thiết thực trong thời gian qua, du lịch Thanh Thủy đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, huyện đã thu hút trên 650 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó số khách lưu trú trên 73 nghìn lượt người; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt gần 194 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018.
Ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Thủy chia sẻ, hoạt động du lịch ở Thanh Thủy đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, tăng thu ngân sách cho địa phương, bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống.
Từ 2015-2020, kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn huyện đã được tăng cường đầu tư với số vốn hơn 7.000 tỷ đồng, các chương trình, dự án về phát triển kinh tế du lịch đang tiếp tục được quan tâm.
Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền, quảng bá xúc tiến về du lịch được tăng cường, sản phẩm du lịch đặc thù có thế mạnh của huyện là du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng tiếp tục được khai thác có hiệu quả.
Trong 5 năm qua, doanh thu dịch vụ du lịch, kinh doanh khách sạn, nhà hàng... ước đạt 869 tỷ đồng, bình quân tăng trên 10%/năm, chiếm tỷ trọng 10,4% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ toàn xã hội của huyện.
Các cơ sở kinh doanh lưu trú tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ nên đã thu hút trên 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách lưu trú ước đạt 317 nghìn lượt người, tăng 3,2 lần so với 2015; tạo việc làm cho 16.500 lao động trên địa bàn, chiếm khoảng 38% tổng số lao động toàn huyện.
Trong thời gian tới, huyện Thanh Thủy tiếp tục lựa chọn du lịch, dịch vụ là khâu đột phá và phấn đấu sớm trở thành vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Phú Thọ. Đây sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo, là hướng đi đúng đắn nhất dựa trên tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, về địa lý, đặc biệt là về con người để giúp huyện tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường đổi mới.
“Lộ diện” thành phố lễ hội
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì (Phú Thọ) trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, thành phố Việt Trì được xây dựng và phát triển bao gồm cả Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðền Hùng, tỉnh Phú Thọ trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo hướng đồng bộ, bền vững cả về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các di sản văn hóa vùng đất Tổ đã được UNESCO ghi danh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu văn hóa tín ngưỡng chính đáng của nhân dân, củng cố tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam.
Thành phố Việt Trì tạo dựng và hình thành môi trường văn hóa, môi trường sống đặc trưng vùng đất Tổ: cởi mở, thân thiện, đoàn kết; có quy chế quản lý đô thị văn minh và được thực hiện theo tinh thần thượng tôn pháp luật; các thành phần tham gia hoạt động lễ hội bảo đảm chuẩn mực về văn hóa ứng xử, văn hóa thương mại và ý thức gìn giữ an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Hiện tại, Việt Trì đã xây dựng không gian trung tâm lễ hội từ Khu di tích lịch sử Đền hùng-Trung tâm thành phố-Bến Gót, Bạch Hạc. Thời gian tới, theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ tiếp tục được triển khai xây dựng với nhiều hạng mục; các kết cấu hạ tầng đô thị và mạng lưới giao thông tiếp tục được hoàn thiện.
Phía Nam Việt Trì hình thành cảng hành khách mới trên sông Hồng. Các tuyến đường nội thị như Nguyệt Cư, Tô Vĩnh Diện, Vũ Duệ, Thạch Khanh, Nguyễn Tất Thành, Thụy Vân, Vũ Thê Lang, Phù Đổng, Tiên Sơn... và trên 130km đường giao thông nội bộ, nhiều tuyến đường quốc lộ, cầu và đường đối ngoại như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Quốc lộ 2, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang... tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, giúp kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế, tạo thành điểm nhấn cho thành phố.
Tạo đòn bẩy thúc đẩy du lịch phát triển
Năm 2019, các cơ sở du lịch tỉnh Phú Thọ đã phục vụ 610.000 lượt khách lưu trú, tăng 1,6% so kế hoạch năm, trong đó đón 7.800 lượt khách lưu trú quốc tế, tăng 11,4% so với kế hoạch năm; doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng, thu hút 3.850 lao động trực tiếp.
Tỉnh Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025, xây dựng và công nhận từ 2 đến 3 khu, điểm du lịch cấp tỉnh; 850.000 lượt khách lưu trú, trong đó khách quốc tế 9.500 lượt. Tổng doanh thu du lịch, dịch vụ đạt 4.500 tỷ đồng; thu hút và giải quyết việc làm cho 4.500 lao động trực tiếp.
Tuy nhiên, theo các nhà quản lý và đại diện các công ty du lịch lữ hành, mặc dù là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, song trong những năm qua, du lịch Phú Thọ vẫn chưa phát huy hết lợi thế để ngành công nghiệp không khói thật sự cất cánh.
Nhiều danh lam, thắng cảnh chưa được khơi dậy và khai thác hết tiềm năng; Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn), đầm Ao Châu, ao Giời - suối Tiên (huyện Hạ Hòa) vẫn là những “nàng công chúa ngủ quên,” chưa phát triển tương xứng tiềm năng vốn có.
Quá trình tìm hướng đi trong phát triển du lịch còn gặp không ít khó khăn do công tác thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch còn hạn chế, việc đầu tư các điểm du lịch cộng đồng còn manh mún, cơ chế khuyến khích phát triển du lịch chưa rõ nét; các sản phẩm du lịch đặc thù chưa được quan tâm đầu tư, chưa thật sự hút khách; nguồn nhân lực cho phát triển du lịch còn thiếu và yếu; các sản phẩm, đặc sản địa phương tại các điểm du lịch chưa được địa phương quan tâm.
Ông Hoàng Công Thủy - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết, trước mắt cũng như lâu dài, Đảng bộ tỉnh đã xác định khâu “đột phá” về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng then chốt, các lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng lợi thế…là rất quan trọng; phát triển nông lâm nghiệp là nền tảng nhưng du lịch sẽ là mũi nhọn và sẽ trở thành nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Theo đó, phát triển du lịch của Phú Thọ dựa trên cơ sở khai thác, phát huy giá trị hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận là “Hát xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” gắn với giá trị tiêu biểu của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, di tích văn hóa Miếu Lãi Lèn, thành phố Việt Trì, Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tại các trung tâm du lịch nhằm hình thành các khu, điểm du lịch quốc gia và địa phương.
Trong đó, tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và hạ tầng dịch vụ tại hai trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thủy, làm cơ sở thúc đẩy du lịch Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững; đồng thời ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng là Khu du lịch Quốc gia.
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, tỉnh Phú Thọ xác định rõ ràng, cụ thể lộ trình phát triển, các khu, điểm du lịch trọng tâm cùng các sản phẩm du lịch đặc thù để ưu tiên đầu tư. Trong đó, cần xác định rõ thành phố Việt Trì với sản phẩm du lịch là lễ hội tâm linh, vui chơi giải trí; huyện Thanh Thủy với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh và du lịch trên sông; huyện Tân Sơn là du lịch sinh thái gắn với du lịch khám phá và du lịch văn hóa cộng đồng... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, mở ra một giai đoạn mới, tạo bước phát triển mới cho du lịch Phú Thọ ngày phát triển.
Với những nỗ lực đồng bộ, trong những năm tới, du lịch Phú Thọ sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, bền vững, đồng thời trở thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025./.