Hoạt động của ngành

Sự thay đổi của cách thức truyền thông du lịch ở Thanh Hóa

Cập nhật: 20/10/2020 10:03:38
Số lần đọc: 982
Truyền thông có khả năng tác động đến giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm, định hướng tiêu dùng và thậm chí là có thể điều chỉnh hành vi tiêu dùng của khách du lịch.


Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng nhìn từ sông Mã.

Khoảng dăm năm trở lại đây, du lịch Thanh Hóa đã đạt được những bước tăng trưởng đột phá, nhất là các chỉ tiêu về lượt khách, ngày khách và tổng thu đều tăng trưởng ấn tượng. Sự gia tăng này là thành quả từ nhiều yếu tố tác động, trong đó có vai trò của công tác truyền thông du lịch. Một trong những mũi nhọn truyền thông của du lịch những năm qua là việc chú trọng quảng bá sản phẩm thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng tập trung quảng bá vẻ đẹp con người, cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, lễ hội xứ Thanh. Cùng với quảng bá trên báo chí và các phương tiện truyền thông, thì nhiều hoạt động văn hóa – du lịch, các đoàn famtrip, presstrip hay phát hành các ấn phẩm dự án du lịch, tờ gấp quảng bá du lịch... cũng được ngành chức năng và chính quyền các địa phương chú trọng. Từ đó, góp phần vào công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Thanh Hóa đến các thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn là chưa đủ, nếu không nói là chưa mang lại nhiều kết quả đáng kể. Việc thiếu và yếu cả chất lẫn lượng các sản phẩm tuyên truyền, truyền thông du lịch và công tác xúc tiến, quảng bá du lịch những năm qua được lý giải là do nhận thức còn hạn chế của một số cấp, ngành, cộng đồng dân cư về vai trò của du lịch; ngân sách cho hoạt động quảng bá du lịch còn eo hẹp; năng lực tài chính, cạnh tranh, thương hiệu, tiếp thị của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh còn yếu... Thực trạng này đang đặt ra cho công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, gắn với nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng. Thậm chí, mỗi người dân phải trở thành một “đại sứ du lịch”. Truyền thông tốt sẽ mang đến sự thay đổi tích cực về hình ảnh, cũng như nâng cao giá trị thương hiệu du lịch.

Muốn vậy, không cách nào khác, truyền thông cần có một chiến lược bài bản, tiệm cận các xu thế hiện đại và dựa trên chiến lược phát triển dài hạn của địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh Covid 19 kéo dài và tác động đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điều này đã khiến ngành du lịch lao đao và do đó, nó đã ít nhiều làm đảo lộn tư duy và cách làm truyền thống trong du lịch. Trong đó, truyền thông càng cần phải thay đổi, thậm chí là đi trước một bước trong sự thay đổi này. Chẳng hạn như, thay vì chú trọng hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm thương mại - du lịch; cần chuyển mạnh sang các hình thức như marketing điện tử. Đó là việc đầu tư phát triển các website vừa cung cấp thông tin du lịch, vừa quảng bá điểm đến, vừa tiếp nhận phản hồi của người dùng. Đồng thời, có thể kết nối với hệ thống tìm kiếm và các mạng xã hội đang phổ biến hiện nay. Rồi hình thức quảng bá qua các tập gấp, sách giới thiệu quảng cáo truyền thống cũng phải dần được thay thế bằng các dữ liệu trực tuyến, tài liệu có thể tải xuống từ internet...

Bên cạnh việc đầu tư cho marketing điểm đến, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng thương hiệu; việc nghiên cứu thị trường và hợp tác, liên kết marketing du lịch giữa các địa phương; kết hợp hoạt động marketing du lịch với các hoạt động giao lưu văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường... cũng được chú trọng đặc biệt. Đồng thời, chiến dịch truyền thông sẽ ưu tiên sử dụng các kênh truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội, thông qua các clip quảng bá trên internet. Theo các chuyên gia về du lịch, việc kích cầu để làm bệ đỡ cho du lịch là rất cần thiết. Song, việc thực hiện một chương trình truyền thông bài bản ở thời điểm này, thậm chí còn có tác động to lớn hơn. Bởi, một chiến lược truyền thông tốt, có định hướng và thông điệp rõ ràng, sẽ có thể “đánh thức” ngành du lịch sau khoảng thời gian dài ảm đạm. Thậm chí, với Việt Nam nói chung, các địa phương nói riêng, việc truyền thông về chống dịch thành công cũng là gián tiếp kích cầu – truyền thông cho du lịch.

Không thể phủ nhận, dù dịch bệnh thì nhu cầu đi lại, di chuyển, nghỉ ngơi và trải nghiệm của con người, cũng không vì thế mà mất đi. Do vậy, hơn bao giờ hết, ngành du lịch cần những thông tin đúng, trung thực, khách quan về dịch bệnh, về điểm đến và sản phẩm du lịch. Từ đó, truyền tải đến du khách một thông điệp rõ ràng rằng: Thanh Hóa – điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn!

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục