Hoạt động của ngành

Bắc Ninh: Thiết lập thương hiệu “Thành phố-người ở đừng về”

Cập nhật: 19/10/2020 08:31:18
Số lần đọc: 855
Trong bức tranh tổng thể của du lịch miền Quan họ, thành phố Bắc Ninh nổi lên như một điểm sáng với thế mạnh của đô thị trung tâm, kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp hiện đại, tiện ích với nét thâm nghiêm, trữ tình thơ mộng của miền đất “một làn nắng cũng mang điệu dân ca”. Nhằm từng bước thiết lập thương hiệu “Thành phố-Người ở đừng về”, giai đoạn tới thành phố Bắc Ninh tập trung phát huy giá trị truyền thống giàu bản sắc, xây dựng con người văn hóa, mến khách, giàu tình cảm...  

Trước quá trình hội nhập toàn cầu hóa với sự tác động sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hầu như không một quốc gia, vùng đất nào lại từ bỏ những giá trị văn hóa đặc sắc đã được các thế hệ cha anh dày công sáng tạo, tích lũy suốt chiều dài lịch sử. Với thành phố Bắc Ninh, dù hiện tại hay tương lai thì kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cha ông trong quá khứ vẫn luôn là điểm tựa quan trọng không thể thiếu...


Mới đây, trong Nghị quyết về phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Bắc Ninh xác định mục tiêu phát triển văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, tạo động lực, sức mạnh nội sinh và trở thành lĩnh vực sản xuất tinh thần, tạo ra các giá trị, sản phẩm làm giàu đẹp cuộc sống, góp phần quan trọng nâng tầm vị thế, đưa thành phố Bắc Ninh phát triển toàn diện, bền vững và đặc biệt là từng bước hình thành thương hiệu “Thành phố - Người ở đừng về”. Để đạt mục tiêu đó, Thành phố chọn hướng đi vừa tập trung bảo giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa hình thành những “màng lọc” để có thể tiếp nhận, dung hòa các giá trị mới của đời sống hiện đại nhằm tạo điểm tựa bền vững làm bệ phóng cho tương lai.


Giải pháp cụ thể được Thành phố đặt ra là tiếp tục nâng cao trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo, chính quyền và nhân dân các địa phương trong quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa và lễ hội truyền thống. Huy động các nguồn lực xã hội, phối hợp hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa để trở thành điểm thu hút khách du lịch bền vững.

Khu di tích đền Bà Chúa Kho được đầu tư tôn tạo mở rộng không gian, phục vụ nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân dân và du khách.


Thành phố cũng tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp, đẩy nhanh tiến độ các dự án quy hoạch, dự án bảo tồn tu bổ di tích chùa Dạm, chùa Hàm Long; các dự án trùng tu, tôn tạo và quy hoạch tổng thể di tích đền Bà Chúa Kho; quần thể văn hóa Thủy tổ Quan họ... Song song với đó là tiếp tục xây dựng các đề án, dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, quảng bá di tích, lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của thành phố.


Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các điểm đến đặc trưng, những lễ hội lớn, nét ẩm thực đặc sắc của Thành phố trên các kênh thông tin cũng là một trong những giải pháp quan trọng được Thành phố chỉ đạo như: Xây dựng phim tài liệu; mở các chuyên trang, chuyên mục trên trang thông tin điện tử Thành phố về lịch sử, văn hóa vùng đất; thường xuyên cập nhật đa dạng, phong phú thông tin nhằm tạo thuận lợi cho quá trình tra cứu, tìm hiểu của nhân dân và du khách. Thành phố còn chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội truyền thống gắn với hoạt động liên kết, quảng bá, thu hút khách du lịch, đặc biệt là những lễ hội quy mô lớn, đón nhiều du khách hàng năm như lễ hội Đền Bà Chúa Kho, lễ hội khu Viêm Xá, lễ hội kéo co Hữu Chấp...


Cùng với bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống, thành phố Bắc Ninh xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư các công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí có quy mô lớn, tạo không gian sinh hoạt văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, đồng thời mở rộng không gian trải nghiệm, giải trí cho du khách. Trong đó, quan tâm chú trọng đầu tư các sân chơi công cộng cho trẻ em và thanh niên; tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa tương xứng với quy mô đô thị loại I như Nhà văn hóa khu phố, Trung tâm văn hóa-Thể thao phường, Nhà chứa Quan họ...


Đáng chú ý trong thời gian tới, Thành phố sẽ tạo điều kiện phát triển các rạp chiếu phim, các tuyến đường, tuyến phố bích họa... tăng cường hoạt động giao lưu biểu diễn văn hóa văn nghệ với các quốc gia đến đầu tư tại Bắc Ninh; liên kết mở rộng và hình thành không gian văn hóa làng nghề truyền thống của các tỉnh, thành phố trong cả nước tại thành phố miền Quan họ. Khuyến khích sáng tạo, phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên nguồn lực tài nguyên là những giá trị kiến trúc nghệ thuật, dấu ấn văn hóa lịch sử độc đáo qua hệ thống di tích, di sản Quan họ, lễ hội, làng nghề, ẩm thực... Đặc biệt là chủ trương xây dựng Đề án phục dựng phiên Chợ Âm dương trong lễ hội khu Xuân Ổ A, phường Võ Cường, nhằm tạo sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng để hút khách.


Ngoài ra, Thành phố tiếp tục đầu tư quy hoạch các tuyến phố chuyên doanh, phố đi bộ, phố ẩm thực, khu trưng bày, triển lãm và duy trì tổ chức định kỳ hoạt động “Sắc màu văn hóa cuối tuần - Bắc Ninh, thành phố tôi yêu”; phát triển văn hóa ẩm thực, tái hiện không gian văn hóa chợ quê, trưng bày sản phẩm và món ăn đặc trưng, nâng tầm các món ăn đặc sản địa phương như bánh khúc làng Diềm, cháo cá Kinh Bắc, bánh giò Đáp Cầu, bánh khoai Thị Cầu...


Như vậy, việc thành phố Bắc Ninh xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch dựa vào nguồn lực di sản văn hóa không chỉ mang ý nghĩa trân trọng giá trị truyền thống, thiết thực nâng cao dân trí, đời sống tinh thần mà còn thúc đẩy các nhân tố mới, giá trị mới, đưa thành phố miền Quan họ phát triển toàn diện.

V.Thanh
Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục